Câu chuyện quyền lợi ẩn sau Lương Gross và Lương Net (Lương thực nhận)

luong-ooc
Rate this post

Last updated on 25/05/2023

Sau khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu công cuộc tìm việc, tôi và các bạn học của mình bắt đầu tiếp cận với khái niệm Lương gross hay Lương net. Khi đó, hầu hết doanh nghiệp nước ngoài tại Việt nam đều có xu hướng thỏa thuận với người lao động dựa trên mức lương thực nhận – hiểu đơn giản là số tiền mà người lao động có thể mang về nhà mà không phải chi trả bất cứ khoản nào thêm.  Với những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, “số tiền bạn có thể mang về nhà” là một mồi câu hấp dẫn nếu bạn không muốn phải để tâm hay tính toán đến các khoản giảm trừ lương có thể ảnh hưởng tới cuộc sống trước mắt của bạn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt nam lại thường đề nghị người lao động nhận mức lương tổng, tổng thu nhập của bạn đã bao gồm các khoản phí BHXH, BHYT, BHTN, Thuế TNCN. 

Sự khác biệt giữa hai loại lương có vẻ đơn giản chỉ là thu nhập được bóc tách đến mức độ nào ở điểm chốt với người lao động. Dường như quyền lợi của người lao động về mặt tài chính sẽ không bị ảnh hưởng bất kể bạn nhận lương theo hình thức nào. Điểm khác duy nhất là thay vì bạn biết hàng tháng bạn được nhận vào tài khoản một số tiền rõ ràng (lương thực nhận), khi nhận lương tổng bạn sẽ phải nhẩm tính về số tiền thực tế mà bạn có thể sở hữu để chi tiêu sau khi trừ đi các khoản BHXH, BHYT, BHTN, Thuế TNCN. 

Nhưng trên thực tế, người lao động dù đã làm việc cho doanh nghiệp nhiều năm vẫn còn băn khoăn về lương gross, lương thực nhận, chủ quan với thông tin người sử dụng lao động cung cấp dẫn đến đánh mất quyền lợi của bản thân. Nên chọn lương gross hay lương thực nhận? lương nào có lợi hơn, bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin để giải đáp cho bạn.

Khái niệm Lương gross– Lương thực nhận 

Lương tổng là tổng số tiền mà một nhân viên nhận được trước khi thuế và các khoản khẩu trừ được đưa ra. Lương tổng bao gồm tất cả các khoản lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp, hoa hồng nếu có… Lương tổng là thu nhập bạn nhận được tương xứng với vị trí và trách nhiệm công việc mà bạn đảm nhận. Khi công ty trả lương cho bạn theo mức lương gross thì bạn phải trích ra một số tiền để đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc bao gồm: 8% BHXH, 1.5% BHYT & 1% BHTN và tiền đóng khoản thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Lương thực nhận là mức lương thực tế mà người lao động sẽ nhận được sau khi đã trừ đi các khoản như bảo hiểm bắt buộc, tiền thuế thu nhập cá nhân hoặc các khoản phải khấu trừ khác của người lao động. Lương thực nhận chính là tiền lương bạn cầm về tay hàng tháng của bạn tương ứng với vị trí công việc mà bạn đảm nhận. Các khoản giảm trừ này đã được công ty bạn tính toán, cân nhắc để đưa ra cho bạn một lời đề nghị về lương thực nhận hợp lý nhằm đạt được sự hợp tác bền vững giữa hai bên.

Công thức đổi lương gross sang lương thực nhận:

LƯƠNG THỰC NHẬN = LƯƠNG Gross– (BHXH + BHYT + BHTN + THUẾ TNCN)

luong-gross-ooc

Lương gross hay lương thực nhận – mức lương nào có lợi hơn

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã hướng tới sự linh hoạt trong việc để người lao động có quyền lựa chọn một trong hai hình thức nhận lương trên. Có thể bạn cho rằng lương thực nhận sẽ có lợi hơn vì không bị trừ đi một khoản chi phí nào như lương tổng. Nhưng nếu chỉ dựa trên sự chênh lệch ở công thức trên giữa hai mức lương, người sử dụng lao động minh bạch cũng đã xem xét để quy đổi từ lương gross sang lương thực nhận hay từ lương thực nhận sang lương gross, quyền lợi tài chính của bạn đều tương đương nhau. 

Tương tự người lao động, với cách thức trả lương nào, người sử dụng lao động minh bạch cũng không có sự khác biệt nhiều về quyền lợi và trách nhiệm. Có khác chăng chỉ là người sử dụng lao động khi trả lương thực nhận cho người lao động sẽ dễ dàng hơn trong việc cân đối các khoản bảo hiểm và thuế khác.

Nhưng bản chất của sự khác biệt  lại ở chỗ người sử dụng lao động có thể trong một giai đoạn chạy theo mục tiêu tối thiểu hóa chi phí mà gây ảnh hưởng tới quyền lợi khác ngoài lương của bạn.

Trong trường hợp bạn nhận lương tổng. Hãy xem xét ví dụ sau đây.

Công ty A trả bạn 26 triệu khi bạn đảm nhận vị trí Trưởng phòng Phát triển thị trường.

Số tiền đóng BHXH: 26 triệu x 8 % = 2,080,000 đồng (1)
– Số tiền đóng BHYT: 26 triệu x 1,5 % = 390,000 đồng (2)
– Số tiền đóng BH thất nghiệp (BHTN): 26 triệu x 1 % = 260,000 đồng (3)
– Lương còn lại sau khi đóng bảo hiểm: 26 triệu – (2,080,000 + 390,000 + 260,000) = 23,270 triệu.
– Bạn lấy số tiền 23, 270 triệu – 9 triệu (tiền giảm trừ gia cảnh cá nhân) = 14,270 triệu. Và đây sẽ là con số mà bạn bị áp dụng để đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

– Mức thuế TNCN của bạn sẽ được tính theo 3 bậc như sau:

+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế (=< 5 triệu) x thuế suất 5%: 5 triệu x 5% = 250.000 đồng (4)
+ Bậc 2: Thu nhập tính thuế (>5 triệu đến 10 triệu) x thuế suất 10%: (10 triệu – 5 triệu) x 10% = 500.000 đồng (5)
+ Bậc 3: Thu nhập tính thuế (>10 triệu đến 18 triệu) x thuế suất 15%: (14,270 triệu – 10 triệu) x 15%=  640.500 (6)

Tổng số tiền bạn phải đóng cho các phí bảo hiểm và thuế TNCN là: (1) + (2) + (3) + (4) + (5) + (6) = 

Số tiền bạn nhận về cuối cùng: 26.000.000 – 4.125.500 = 21.879.500 đồng

Bạn có thể ghi nhận và theo dõi các khoản giảm trừ này một cách rõ ràng trên bảng lương hàng tháng khi bộ phận nhân sự công ty gửi thông tin đến bạn. Mức lương tổng được xem là có tính minh bạch. Từ mức lương gross, bạn có thể tự tính toán được mức lương thực nhận mà mình được nhận cũng như biết được các khoản bảo hiểm, thuế mà công ty đóng cho bạn và đảm bảo được mọi quyền lợi của bạn về an sinh xã hội. 

Trong trường hợp bạn nhận lương thực nhận, bạn cần xét đến 2 trường hợp cùng nhận một lương thực nhận như sau:

  • Trường hợp A: Doanh nghiệp trả bạn mức lương thực nhận cuối. Sau đó quy ra mức lương gross và sẽ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, đóng thuế thu nhập cá nhân căn cứ theo mức lương này. Lúc này mức lương thực nhận cộng với các khoản trách nhiệm bạn phải đóng sẽ quy đổi ra đúng bằng mức lương tổng xứng đáng với vai trò và trách nhiệm công việc mà bạn đảm nhận. Những quyền lợi về an sinh xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp, thất nghiệp… mà bạn được hưởng sẽ theo đúng số lương tổng mà bạn đóng và công ty đồng chi trả. Công ty hoạt động minh bạch và giữ cam kết với bạn về đóng bảo hiểm và thuế như thỏa thuận ban đầu.
  • Trường hợp B: Doanh nghiệp ký hợp đồng với bạn lương thực nhận và hàng tháng bạn thực nhận mức lương này. Doanh nghiệp có thể sẽ không quy đổi ra lương gross mà sẽ đăng ký với cơ quan BHXH mức lương căn cứ đóng bảo hiểm của bạn là mức lương thực nhận hoặc thậm chí là một mức lương thấp hơn. Họ sẽ đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN theo mức thấp. Lúc này, quyền lợi của bạn liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất sức lao động, thất nghiệp… sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi đó cộng mức lương thực nhận này với các khoản trách nhiệm phải đóng thì sẽ được mức lương tổng thấp hơn mức lương tổng thực tế mà bạn phải được nhận như trường hợp A. Và nếu các thông tin này bạn không nắm bắt được trong quá trình làm việc mà chỉ biết khi đã chuẩn bị nghỉ việc, bạn sẽ hoàn toàn bị động vì đã trót thỏa thuận trên mức lương thực nhận mà không quan tâm đến các khoản đóng bảo hiểm và thuế.
luong-net-ooc

Vì vậy, có thể nói mức lương gross là mức lương thể hiện chính xác quyền lợi của bạn hơn là mức lương thực nhận. Người lao động khi thoả thuận mức lương với nhà tuyển dụng thì nên chọn lương tổng nếu được lựa chọn cho dù phải tự đóng bảo hiểm hay thuế thu nhập cá nhân để có thể đảm bảo được quyền lợi toàn diện cho mình. Trong trường hợp, doanh nghiệp chỉ đưa ra đề nghị nhận lương thực nhận thì người lao động cũng cần trao đổi rõ với doanh nghiệp về mức lương thực tế làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc và khoản thuế thu nhập cá nhân cho mình. Hàng tháng, bạn có thể đề nghị xem bảng kê khai đã đóng các khoản bảo hiểm và thuế cho bạn là bao nhiêu. Điều này sẽ đảm bảo việc không có “chiêu trò” nào xảy ra, doanh nghiệp sẽ nghiêm túc thực hiện thỏa thuận với bạn và quyền lợi của bạn không bị ảnh hưởng.

Phần mềm tính lương – sản phẩm của công ty Giải pháp Công nghệ OOC đáp ứng được những tính năng chuyên sâu nhất mà một phần mềm lương cần có, giúp doanh nghiệp lập chính sách lương, tính toán, quản lý sự thay đổi về tiền lương và trả lương cho  người lao động dựa trên nguyên tắc công bằng, bình đẳngchính xác đối với người lao động. Bên cạnh đó, phần mềm có khả năng tích hợp với các cấu phần quản lý khác trong doanh nghiệp, giúp quá trình quản lý nhân sự, hiệu suất làm việc đơn giản, dễ dàng và hiệu quả. 

 

Nguồn:
Trần Ngọc Vân
Chuyên gia Tư vấn Quản lý của OCD, chuyên về Quản trị vận hành và Dịch vụ khách  hàng, tư vấn ERP

 

Contact Us