Học đại học là lựa chọn duy nhất?
Học đại học có phải là lựa chọn duy nhất? Trước tiên cần khẳng định, bài viết không có ý định hạ thấp tầm quan trọng của việc theo học bậc đại học đối với các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3. Tuy nhiên, kể cả khi bạn không hoặc chưa vào đại học thì vẫn còn có nhiều con đường khác để lựa chọn.
Nếu học đại học, bạn sẽ được trang bị những kiến thức bài bản của nhiều ngành nghề trong xã hội. Ngày nay, với lựa chọn phong phú về các loại hình đào tạo đại học thì các ngành nghề tại trường đại học cũng đa dạng hơn nhiều. Có rất nhiều nghề mà trước đây không thể tìm được ở bậc đại học, thì ngày nay các bạn có thể tìm được ở một trường đại học nào đó, như Quản lý sự kiện, Sáng tạo… Đối với rất nhiều nhà tuyển dụng thì việc bạn đã qua bậc học đại học vẫn là một yêu cầu cơ bản của tuyển dụng.
Ngay cả khi bạn không có điều kiện để vào đại học, hoặc đơn giản là bạn muốn theo đuổi một nghề mà các trường đại học không có sẵn, thì học nghề không phải là một lựa chọn tồi. Tôi biết có nhiều bạn đã tốt nghiệp những trường đại học danh giá như Đại học Ngoại thương nhưng vẫn tiếp tục đi học các khóa ngắn hạn để trở thành một chuyên gia làm phim, hay khá nhiều bạn ngày nay tiếp tục theo học các khóa ngắn hạn hoặc tự học để có thể làm tốt công việc của mình, ví dụ làm SEO.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thì rất nhiều nghề mới đã ra đời và thậm chí số lượng nghề mới ra đời sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này khiến các trường đại học, dù rất cố gắng cập nhật với sự thay đổi của thị trường nhưng vẫn luôn lạc hậu hơn. Điều này khiến cho bạn dù đã tốt nghiệp một hoặc thậm chí 2 ngành đại học, vẫn luôn đứng trước áp lực phải học và tiếp cận những kiến thức của nghề mới. Đồng thời, học đại học khó có thể trang bị cho sinh viên đủ kỹ năng cần thiết trong môi trường công việc. Điều đó khiến cho các bạn sinh viên khi ra trường đi làm luôn phải học, trau dồi thêm những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn đã qua bậc học đại học, thường bạn sẽ có phương pháp luận tiếp cận với kiến thức và kỹ năng mới tốt hơn. Tuy nhiên, chiếc áo không làm nên thầy tu. Nếu bạn không thực sự dành thời gian cho việc học, chiếc bằng đại học cũng chỉ là một chiếc vé gửi xe bạn đầu.
Một câu hỏi khác với các bạn học sinh khi quyết định chọn học đại học, là chọn ngành học đại học. Bạn chọn ngành mà mình thích, thậm chí đam mê. Hay bạn chọn những ngành mà thực sự xã hội cần. Sẽ là lý tưởng nếu bạn chọn được ngành nghề mà bản thân yêu thích nhưng cũng đúng là nghề mà xã hội có nhu cầu cao.
Hiện nay, những ngành nghề liên quan đến công nghệ, lập trình, phân tích nghiệp vụ, trí tuệ nhân tạo… đang là những ngành nghề có nhu cầu rất cao và vì thế mức lương bình quân cũng rất cao so với các ngành khác. Tuy nhiên, khi phân tích về nhu cầu đối với ngành nghề, cần nhìn vào tương lai. Khi bạn tốt nghiệp (4-5 năm sau), nghề đó có còn hot? Hay do quá nhiều bạn đổ xô vào học đại học sẽ khiến cho thị trường lao động bão hòa đối với loại ngành nghề đó. Ngoài ra, chọn ngành học đại học mà bản thân không yêu thích có thể dẫn đến tình trạng chán nản, mất động lực học tập khiến cho các bạn không thể trở thành một nhân sự giỏi trong linh vực mà mình học. Nếu đây lại là một sự đầu tư đắt đỏ (trường quốc tế, du học) thì hệ quả sẽ còn lớn hơn.
Ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh với tư tưởng tiến bộ hơn, sẵn sàng khuyến khích con cái mình theo đuổi đam mê – chọn ngành học đại học mà bản thân rất yêu thích. Lựa chọn này có lợi thế là với sự đam mê, các bạn thường sẽ học hành nghiêm túc, là điều kiện để các bạn trở thành các nhân sự giỏi trong lĩnh vực lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý xu hướng của thị trường lao động để đảm bảo kiến thức và kỹ năng bạn học được sẽ được sử dụng khi các bạn đi làm.
Cho dù bạn lựa chọn một con đường mà đa số các bạn học sinh tốt nghiệp cấp 3 mong muốn là học đại học, hay bạn học nghề rồi đi làm, hoặc bạn tự khởi nghiệp và bước chân vào thị trường khi chưa trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng căn bản, việc học vẫn là việc cả đời, nếu bạn thực sự có chí tiến thủ. Bạn sẽ thấy, kiến thức học ở đại học chỉ là một phần rất nhỏ so với những kiến thức và kỹ năng mà bạn cần có để thành công trong công việc sau này.
Công ty CP Giải pháp Công nghệ OOC.
Đọc thêm:
Khóa đào tạo từ giảng đường đến doanh nghiệp
6 lý do sinh viên HRM nên làm quen với phần mềm nhân sự tại trường đại học?
Nghề tư vấn quản lý – Phần 2