Môi trường làm việc mơ ước của sinh viên

Môi trường làm việc mơ ước của sinh viên

Môi trường làm việc mơ ước của sinh viên

Rate this post

Last updated on 16/05/2023

Bất cứ ngành nghề nào cũng cần một môi trường làm việc tốt để có thể phát huy được tối đa hiệu suất công việc. Lựa chọn nơi làm việc thực sự không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho nhiều người, trong khi đó lại là một phần quan trọng trong kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Dưới đây chúng tôi chia sẻ một số góc nhìn của sinh viên Đại học về các tiêu chí lựa chọn một môi trường làm việc đáng mơ ước.

Chào bạn, bạn vui lòng giới thiệu đôi nét về bản thân?

Đức: Hiện tại mình đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội.

Hằng: Mình là sinh viên năm 2, chuyên ngành tiếng Trung thương mại, Đại học Thương Mại Hà Nội.

Thành: Mình đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Tài chính, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Dương: Tớ đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành Marketing, trường ĐH Greenwich.

Hiếu:  Tớ hiện tại là sinh viên năm 2, chuyên ngành Logistics, trường Đại Học RMIT Hà Nội.

Bạn đã từng đi làm hay thực tập ở công ty nào chưa?

Đức: Mình từng làm việc cho một công ty thuộc mảng giáo dục trong vòng gần 6 tháng, ngoài ra chưa có cơ hội được thực tập về lĩnh vực chuyên ngành. Trong dự định của mình thì sắp tới sẽ tìm một công ty nào đó để học hỏi nhiều hơn về chuyên ngành chính được đào tạo trong trường.

Hằng: Mình chưa từng đi thực tập tại một công ty nào, mà dành phần lớn thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa của các câu lạc bộ trong trường. Trong năm 3, mình dự định sẽ tìm kiếm cơ hội thực tập tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thành: Mình chưa từng đi thực tập hay làm việc ở bất kì công ty nào. Từ khi lên Đại học mình chỉ tập trung vào việc học trên trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Hiếu: Tớ chưa có cơ hội được thực tập ở công ty nào cả, tuy nhiên tớ luôn muốn được thực tập ở công ty trong thời gian học để tích lũy thêm kinh nghiệm sau khi ra trường.

Dương: Tớ đã từng có kinh nghiệm làm việc cho công ty từ trong nước cho tới quốc tế, từ xe ôm cho tới văn phòng nên tớ rất tự tin về kinh nghiệm làm việc và kỹ năng sống của bản thân.

Yếu tố nào mà bạn cho rằng quan trọng nhất khi lựa chọn công ty?

Đức: Thật ra thì mình nghĩ nó còn phụ thuộc vào mục đích tại những thời điểm khác nhau, như tại thời điểm này, tiêu chí quan trọng nhất mà mình lựa chọn đó chính là cơ hội học hỏi và phát triển, tức là được giao việc, được chỉ dẫn, được đào tạo, được hỗ trợ về mặt chuyên môn vì đó là điều mình cần nhất ở thời điểm này để trau dồi chuyên môn và tìm ra định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, có thể sau này khi ra trường, đã có một vốn kinh nghiệm nhất định, yếu tố quan trọng nhất lúc đó lại là lương thưởng, hoặc sự linh hoạt về thời gian chẳng hạn.

Hằng: Ưu tiên hàng đầu của mình khi lựa chọn môi trường làm việc là được đào tạo và thực hành các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý. Bên cạnh đó thì mình mong muốn được dẫn dắt bởi một người lãnh đạo tốt để có thể học hỏi được nhiều điều, như vậy sẽ giúp mình trưởng thành nhanh hơn.

Thành: Đối với mình điều quan trọng nhất là được đào tạo vì mình đi học chỉ được học lý thuyết chứ không được thực hành nhiều, và mình nghĩ đa số các bạn sinh viên cũng gặp phải tình trạng tương tự, do đó cần được làm quen và tiếp xúc trực tiếp với công việc thì mới học hỏi nhanh được.

Dương: Đối với mình, yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn công ty đó chính là lương thưởng. Mình đang là sinh viên, nên thực sự vấn đề tài chính rất quan trọng.

Hiếu: Với mình, tiền lương là một điều rất quan trọng, bên cạnh đó tỷ lệ giới tính trong công ty cần phải cân bằng để tạo cảm giác hứng khởi mỗi ngày cho nhân viên.

Theo bạn, thế nào là một môi trường làm việc lý tưởng?

Đức: Môi trường làm việc là một khái niệm rất rộng, một môi trường tốt tất nhiên cần đáp ứng được các yếu tố tối thiểu như lương thưởng, cơ sở vật chất, không gian làm việc tiện nghi, bên cạnh đó mình cũng đề cao tính trao quyền trong công ty, tức là nhân viên được thỏa sức sáng tạo và chịu trách nhiệm với kết quả đầu ra của mình. Ngoài ra, một môi trường với chính sách làm việc linh động về thời gian và địa điểm, nơi các nhân viên có thể tự sắp xếp công việc, thời gian của mình thông qua chính sách cho phép nhân viên quản lý và làm việc tại nhà, nghỉ phép để chăm sóc gia đình cũng là một lựa chọn tốt.

Hằng: Quan điểm của mình là khi còn trẻ không nên an phận, cần có nhiệt huyết, tinh thần dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Bởi vậy, môi trường làm việc lý tưởng của mình ngoài đáp ứng các yếu tố cơ bản về cơ sở vật chất, lương thưởng, phúc lợi và thời gian làm việc linh hoạt đảm bảo thỏa mãn chất lượng công việc và cuộc sống, thì nên có thật nhiều cơ hội, thử thách đa dạng với lộ trình thăng tiến, phát triển sự nghiệp rõ ràng.

Thành: Đối với mình một môi trường làm việc lý tưởng phải đảm bảo các yếu tố lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc nhưng vẫn phù hợp với thời gian mình đến trường. Mình cũng muốn phát triển nhiều mối quan hệ, tham gia nhiều hoạt động trong môi trường doanh nghiệp.

Dương: Quan điểm của tớ là lương cao, thưởng nhiều, nhanh lên cấp, công việc nhẹ nhàng, áp lực công việc thấp, nhiều đồng nghiệp trai xinh gái đẹp, cơ hội được đi chơi nhiều, đồng phục công sở lịch sự gọn gàng bắt mắt.

Hiếu: Đối với mình, môi trường làm việc lý tưởng là điều gần như không tồn tại, mỗi người chỉ có thể tự thích ứng và khiến cho nó trở nên phù hợp với mình.

Bạn đánh giá như thế nào về môi trường làm việc của các công ty Việt Nam nói chung so với các công ty nước ngoài?

Đức: Bạn nhìn vào số lượng sinh viên ra trường muốn làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia thì sẽ biết được câu trả lời. Rõ ràng, các công ty của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu của người lao động về môi trường làm việc mà họ mong muốn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang tập trung vào giải quyết bài toán lương thưởng cho nhân viên, mà không nhận thức được rằng đó chưa phải là điều người lao động quan tâm hàng đầu. Các công ty của Việt Nam nói chung còn bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa kỷ luật và thứ bậc, cái này rõ nhất ở nhiều công ty nhà nước, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài họ làm rất tốt trong việc tạo ra một môi trường bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt để kích thích sự sáng tạo của nhân viên, giúp nhân viên cảm thấy đi làm không quá áp lực, từ đó hiệu suất công việc mới cao được. Nhưng rõ ràng không thể phủ nhận, các công ty Việt Nam cũng đã và đang tích cực thay đổi để tạo ra được một môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.

Hằng: Theo quan điểm của mình thì môi trường làm việc ở mỗi quốc gia khác nhau do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố văn hóa, xã hội. Nhưng nói chung thì với góc nhìn của người trẻ hiện nay, mình cho rằng môi trường làm việc ở các công ty nước ngoài luôn có sức hút hơn so với các công ty Việt Nam, bởi trong các công ty nước ngoài thì không có sự phân biệt sâu sắc về tuổi tác, kinh nghiệm làm việc, đề cao tính đổi mới, sáng tạo, năng lực và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Nhưng hiện nay điều đáng mừng là các tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt nam cũng và đang dần chú ý, coi trọng điểm này, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp mới.

Thành: Minh chưa có cơ hội thực tập. Nhưng theo như mình quan sát thì môi trường các doanh nghiệp Việt Nam thân thiện, phù hợp với văn hoá Việt Nam nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ hoặc start up, quy trình làm việc có thể lẻ tẻ và không chuyên nghiệp. Còn các công ty đa quốc gia, quốc tế ví dụ như Big4 thì cơ hội vào thực tập khá khắc nghiệt, có thể gặp phải rào cản về văn hoá và ngôn ngữ nhưng môi trường làm việc này sẽ chuyên nghiệp, là một cơ hội tốt để rèn luyện bản thân và mở mang góc nhìn mới.

Dương: Theo ý kiến cá nhân, sự khác biệt về môi trường làm việc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc theo quy chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam có môi trường và phương thức hoạt động rất thân thiện, dễ dàng để thích nghi do có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam điều đó góp phần các thực tập sinh hay nhân viên mới có rất nhiều cơ hội để hòa nhập và kết nối. Nhưng có thể nói đây cũng vừa là điểm mạnh cũng vừa là điểm yếu chung của các doanh nghiệp Việt Nam do chưa chuẩn hóa các quy trình, văn hóa và môi trường làm việc theo quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài mặc dù sức ép rất lớn, cường độ công việc cao, mức độ cạnh tranh liên tục nhưng các doanh nghiệp của họ đã sớm hướng tới việc đạt chuẩn hoạt động để nâng cao sự chuyên nghiệp và hiệu quả làm việc.

Hiếu: Cho dù mình chưa có cơ hội thực tập, nhưng theo những gì mình đã tìm hiểu, sự khác biệt về môi trường làm việc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có lẽ là về sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp. Cho dù các doanh nghiệp Việt Nam đang dần dần chuyển mình để vượt qua những yếu tố văn hóa, xã hội đã ăn sâu vào nhiều thế hệ của người Việt Nam, ví dụ như việc phân biệt tuổi tác, kinh nghiệm làm việc, cũng như cản trở việc sáng tạo của mỗi cá nhân; vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị những yếu tố này ngăn cản để phát triển và chuyên nghiệp hóa. Chính vì vậy, điều đó khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam có vẻ kém sức hút hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều người cho rằng, sinh viên ngày nay quan tâm nhiều hơn đến những gì họ đạt được trong tương lai thay vì những lợi ích trước mắt như trước đây, bạn nghĩ sao về điều này?

Đức: Mình nghĩ là đúng. Ngày nay các bạn sinh viên được đào tạo bài bản hơn, có năng lực tốt hơn thì tầm nhìn và yêu cầu cao hơn là cũng đúng thôi. Như mình đã nói, lương thưởng chỉ là cái trước mắt, về lâu về dài, tầm nhìn xa hơn một chút thì họ quan tâm đến việc bản thân họ phát triển và lớn lên như thế nào mới là quan trọng. Điều đó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những chính sách lâu dài định hướng sự phát triển cho nhân viên thay vì tư duy ngắn hạn ăn bánh trả tiền như hiện nay.

Hằng: Cá nhân mình ủng hộ quan điểm này, sinh viên ngày càng quan tâm đến giá trị lâu dài hơn là lợi ích trước mắt. Hiện nay yếu tố lương thưởng hoàn toàn có thể đứng sau các ưu tiên về môi trường làm việc, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa doanh nghiệp. Nhiều cử nhân ra trường sẵn sàng chấp nhận một mức lương thấp tại các công ty khởi nghiệp, bởi họ hướng đến những giá trị lâu dài, có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Mình thấy đó là sự thay đổi tư duy rất tích cực ở người trẻ hiện nay.

Thành: Mình quan tâm cả 2, trước mắt là phải đảm bảo cuộc sống hiện tại trước khi nghĩ đến những gì trong tương lai.

Hiếu: Tớ đồng ý với ý kiến trên, vì những giá trị lâu dài luôn có tính bền vững rất cao, và với việc những sinh viên của thế hệ hiện tại đa phần không còn bị yếu tố tài chính đè nặng ngay sau khi ra trường giống như các sinh viên của các thế hệ trước, chính vì vậy các sinh viên có thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm cho các kế hoạch phát triển bản thân trong tương lai.

Dương: Theo quan điểm của tớ, tớ quan tâm đến cả hai. Trước mắt phải đảm bảo được cuộc sống thì mới có thể tính tới những kế hoạch khác trong tương lai. Tuy nhiên nhận định trên cũng có thể coi là đúng vì các bạn sinh viên bây giờ thường rất tài năng nên đòi hỏi cao hơn và tầm nhìn cũng xa hơn, đó là một điều dễ hiểu.

Tham khảo thêm về

Cách mạng công nghệ 4.0 và thách thức cho ngành nhân sự

11 phần mềm ứng dụng sinh viên cần thành thạo khi đi xin việc 

Contact Us