Thời làm outsource đã “xưa rồi”, doanh nghiệp phần mềm Việt đang tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm riêng

doanh nghiệp phần mềm Việt đang tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm riêng

doanh nghiệp phần mềm Việt đang tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm riêng

Rate this post

Last updated on 02/06/2023

Cùng với việc ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ của khách hàng, những năm gần đây, một số doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam đã từng bước chuyển dịch sang nghiên cứu, phát triển sản phẩm của riêng mình.

Doanh nghiệp tham gia nghiên cứu sản phẩm cùng khách hàng

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trong khoảng 3 năm trở lại đây, bản thân hoạt động outsource cũng đã có sự thay đổi chuyển dịch, thay vì chủ yếu “code – test”, thực hiện các bài toán được đối tác, khách hàng đưa đầu bài và lời giải như trước đây, thì hiện giờ các doanh nghiệp Việt Nam làm phần mềm xuất khẩu đã tham gia sâu cùng với khách hàng ngay từ khâu nghiên cứu sản phẩm, khách hàng chỉ đặt đầu bài, doanh nghiệp tự tìm lời giải và thực hiện.

Ghi nhận từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) cho thấy, tỷ lệ các dự án làm outsource thuần túy đã giảm nhanh trong vài năm gần đây. Mặc dù hiện vẫn còn những những doanh nghiệp phần mềm chỉ chuyên làm các dự án gia công, outsource thuần túy, song con số này đang tiếp tục có xu hướng giảm, nhiều đơn vị đã phát triển theo hướng trộn lẫn giữa gia công và tham gia phát triển sản phẩm cùng các đối tác, khách hàng.

Trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA cho hay, thời gian gần đây, từ chia sẻ của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp phần mềm trẻ đang làm cho thị trường Nhật, có thể thấy rằng không ít các doanh nghiệp làm outsource đã và đang có sự chuyển dịch từ vai trò thụ động sang chủ động hơn trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho các khách hàng.

“Các doanh nghiệp phần mềm trẻ, năng động, làm gia công cho các đối tác Nhật hiện nay đã có cách tiếp cận mới. Họ chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, trên cơ sở đó phát triển và giới thiệu với khách hàng một ứng dụng ở dạng PoC có thể giải quyết được các vấn đề của khách hàng. Trường hợp khách hàng thấy sản phẩm thử nghiệm đó tốt, phù hợp thì sẽ đầu tư để phát triển tiếp. Cách tiếp cận này được các doanh nghiệp đánh giá rất hiệu quả và đang tiếp tục được phổ biến, nhân lên với những doanh nghiệp khác”, bà Giang chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, trong chia sẻ với ICTnews hồi đầu năm nay về câu chuyện FPT Software chuyển dịch từ đơn vị chuyên làm gia công sang tư vấn, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn đã cho biết, từ cách đây 10 năm, doanh nghiệp phần mềm này đã bàn đến chuyện “move up value change”. Đó là, FPT Software cần làm những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị phần mềm như tư vấn, thiết kế, phân tích giải pháp, thay vì chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình, kiểm thử, bảo trì. Song vì nhiều lý do nên quá trình này diễn ra tương đối chậm.

Theo phân tích của ông Tuấn, chuỗi giá trị phần mềm có nhiều công đoạn, từ thấp đến cao, nếu chỉ làm ở những công đoạn thấp như lập trình, kiểm thử, công đoạn mà rất nhiều công ty làm được hay trong tương lai máy móc có thể thay thế được thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại.

“Hiện nay có nhiều công đoạn thấp đã có sự tham gia của các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Myanmar với chi phí rất cạnh tranh. Thêm vào đó, với mặt bằng lương CNTT của Việt Nam tăng rất nhanh theo từng năm, nếu chỉ đảm nhiệm những công việc đơn giản của chuỗi giá trị phần mềm, sẽ không thể duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Theo tính toán, nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ 80% số lượng dự án là các dự án nhỏ hoặc làm những công việc đơn giản thì trong khoảng 3 năm nữa công ty sẽ gặp muôn vàn khó khăn”, ông Tuấn chia sẻ.

Từ làm outsource, doanh nghiệp phần mềm tìm hướng phát triển sản phẩm riêng

Đáng chú ý, trong báo cáo Toàn cảnh các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam – “Vietnam IT Landscape 2019” được TopDev công bố phát hành hồi trung tuần tháng 4/2019 vừa qua, nền tảng tuyển dụng nhân sự IT này nhận định, xu hướng các công ty gia công (Outsourcing) dịch chuyển đầu tư thêm hướng làm sản phẩm (Product) đang diễn ra khá mạnh.
Đại diện VINASA cũng cho rằng: “Xu hướng hiện nay, nhiều doanh nghiệp trẻ, năng động cung cấp dịch vụ gia công cho thị trường Nhật Bản, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ cho đối tác Nhật Bản thì họ đã và đang đầu tư để tự làm sản phẩm riêng. Sau khi cùng khách hàng triển khai thành công tại Nhật, các doanh nghiệp này đem về triển khai tại Việt Nam”.

Minh chứng cho nhận định một số doanh nghiệp phần mềm Việt đang “đi 2 chân”, dùng tiền thu được từ hoạt động gia công để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ của riêng mình, đại diện VINASA nêu trường hợp Công ty NTQ Solution với robot lễ tân do họ tự phát triển, tự làm cả phần cơ khí; hay Công ty Beetsoft cũng đang phát triển 1 robot nhỏ để hỗ trợ trả lời thông tin trong các cửa hàng, siêu thị…

Tuy nhiên, theo đại diện VINASA, xu hướng chuyển dịch theo cách tiếp cận mới, tìm hướng phát triển sản phẩm của riêng đơn vị mình hiện chỉ được nhóm các doanh nghiệp làm gia công phần mềm trẻ ngoài Bắc thực hiện; các doanh nghiệp làm outsource ở phía Nam vẫn chưa có thay đổi, vẫn làm gia công theo cách cũ. “Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp làm gia công phần mềm trong Nam đa phần là doanh nghiệp lớn nên sự chuyển đổi cũng sẽ chậm hơn. Các doanh nghiệp nhỏ, trẻ thường linh hoạt, nắm bắt xu thế mới nhanh nhạy hơn”, đại diện VINASA lý giải.

Nguồn: ictnews.vn

Đọc thêm

Điện toán đám mây và vấn đề bảo mật 

Nhìn lại sự cố chuyển đổi số của PNJ

 

Contact Us