Sự khác nhau giữa SME và start up

Sự khác nhau giữa SME và Start up

Sự khác nhau giữa SME và Start up

Rate this post

Last updated on 25/05/2023

Trong những năm gần đây, vấn đề về khởi nghiệp luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Với khẩu hiệu nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp nhằm tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, thu hút đầu tư và phát triển. Cũng từ đó, những khái niệm về SME và start up được nhắc đến rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ bản chất hai khái niệm trên, chưa phân biệt được những đặc điểm đặc thù dẫn đến áp dụng sai mô hình. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những điểm thể hiện sự khác nhau giữa SME và start up, từ đó giúp người đọc lựa chọn mô hình áp dụng phù hợp.

Khái niệm SME và start up

Khái niệm Start up ngay cả trong tiếng anh nó cũng chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và được chấp nhận chính thức. Tuy nhiên có một khái niệm chung được đông đảo mọi người chấp nhận: “Start up là một doanh nghiệp mới thành lập, đáp ứng được nhu cầu của thị trường bằng cách tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ hay một quy trình đổi mới sáng tạo, đồng thời có khả năng tăng trưởng nhanh vũ bão về quy mô”

SME viết tắt của cụm từ Small and Medium Enterprise, dịch sang tiếng việt nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, các doanh nghiệp SME được mở ra ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết công ăn việc làm cũng như nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sự khác nhau giữa SME và start up

Có một ví dụ được rất nhiều người dùng để phân biệt giữa Start up và kinh doanh nhỏ về cái cây và cái dù. Khi bạn cần một bóng mát cho khoảng sân nhà bạn, bạn bỏ tiền ra mua ngay lấy một cái dù lớn, vậy là bạn đã có ngay bóng mát cho khoảng sân nhà mình mà không cần mất quá nhiều công sức. Người ta ví cái dù đó như việc kinh doanh nhỏ. Còn về cái cây thì sao? Khi bạn quyết định trồng một cái cây để lấy bóng mát cho khoảng sân nhà mình, bạn phải làm nào là chọn giống cây sao cho phù hợp, nào là phải bỏ rất nhiều công sức chăm sóc cho nó. Có thể bạn sẽ phải làm chết mấy cái cây trước khi tìm được giống cây phù hợp. Nhưng khi bạn đã tìm được giống cây phù hợp và chăm bón nó một cách đúng đắn, thì nó sẽ phát triển rất nhanh. Thành quả sẽ là bạn có một cái cây cao lớn, không chỉ che mát cho khoảng sân nhà bạn, mà còn che mát cho cả sân nhà hàng xóm nữa. Trong khi đó, nếu bạn chọn mua ô thì bạn sẽ được hưởng thành quả ngay lập tức, nhưng thời gian dài sau thì cái ô vẫn là cái ô, nó không thể to lên được mà chỉ cũ đi thôi. Người ta ví việc bạn trồng cái cây là start up.

Như vậy, start up là một SME nhưng một SME thì chưa chắc là một start up

Mục tiêu kinh doanh

Một start up bắt đầu nhỏ nhưng có tầm nhìn rất lớn. Nó đã ra đời để chứng minh rằng mô hình kinh doanh có thể có tác động rất lớn đến thị trường hiện tại. Từ sự khởi đầu, những người sáng lập khởi nghiệp có tầm nhìn phát triển công ty của họ thành một công ty lớn, đột phá, sẽ sắp xếp lại một ngành công nghiệp hiện có hoặc tạo ra một công ty hoàn toàn mới. 

SME đi theo con đường đã được thử nghiệm và không đi lệch khỏi đó. Họ là những tổ chức có cấu trúc theo mô hình kinh doanh đã biết và thành lập. Những người sáng lập doanh nghiệp nhỏ đang tập trung vào việc đạt được lợi nhuận bằng cách cung cấp giá trị cho khách hàng của họ. Cách tốt nhất để đạt được điều này là theo mô hình kinh doanh ổn định, thành công và đảm bảo vị thế khả thi về tài chính trên thị trường trong một thời gian dài, cùng với việc lấy tài chính kinh doanh để tài trợ cho sự phát triển của công ty.

Lợi thế cạnh tranh

Thành lập SME không cần quá dựa vào lợi thế cạnh tranh độc đáo hoặc các sáng tạo đột phá vì họ chỉ hoạt động ở một quy mô nhỏ và việc cạnh tranh không ở quy mô toàn cầu như start up. SME đi từ nhỏ đi lên, phát triển tuyến tính, phải có lãi từ ngày đầu tiên hoặc sau một thời gian ngắn. Muốn vậy phải làm và bán cái gì mà thị trường đang có nhu cầu.

Startup thì ngược lại, phát triển theo hàm mũ. Vì thế startup không cần lợi nhuận trong thời gian đầu (có thể vài năm), và tất nhiên có lãi ngay thì càng tốt, cũng không cần phải đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường (tức có thể tạo ra thị trường mới), cũng không cần quản trị chặt chẽ (quản chặt quá thì không sáng tạo được). Vì phát triển theo hàm mũ nên cái mà startup cần là một cái gì đó có thể tạo ra sự phát triển theo dạng hàm mũ này. Đó là gì:

  • Một công nghệ/sản phẩm đột phá mới, khác hẳn những công nghệ/sản phẩm đã có để chiếm ưu thế kẻ dẫn đầu và chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường trong thời gian rất ngắn. Chứ công nghệ/sản phẩm cũ, mình làm được nghìn người khác cũng làm được (thậm chí họ đã làm rồi) vì khi đó sẽ rơi vào SME, các bên cạnh tranh nhau, anh nào cạnh tranh tốt hơn anh ấy sẽ thắng. Nếu nhìn như vậy thì làm e-commerce như các đơn vị đang làm hiện giờ cũng không phải là làm startup, trừ phi có một công nghệ hoàn toàn mới đánh bật hết các công nghệ đã có.
  • Một thị trường đủ rộng để có thể tạo ra một tiềm năng phát triển theo hàm mũ sau này. Vì thế, startup cần tập trung vào các sản phẩm/dịch vụ có tiềm năng để hàng chục triệu người dùng (hoặc hàng tỉ người dùng như các “ông lớn” hay nói). Nếu bắt đầu bằng thị trường Việt Nam thì cũng phải nghĩ đến thế giới ngay từ khi mới bắt đầu startup (nếu hàng quá độc và có lãi lớn thì không cần đông như vậy, quan trọng là doanh số, phỏng ạ). SME không cần cái này, SME thậm chí lại chọn local như một lợi thế cạnh tranh (chẳng hạn, ông chỉ bán đặc sản của nhà ông, không đâu có, là ông sống khỏe).
  • Một business model mới tạo ra được sự phát triển theo hàm mũ này. Trong trường hợp không có công nghệ gì đột phá, lĩnh vực kinh doanh cũng không mới, thì thường cái tạo ra sự phát triển hàm mũ là mở thành chuỗi liên hoàn. Nếu bạn mở một quán café thì đó là SME, phải có lãi ngay từ những ngày đầu tiên, còn mở thành chuỗi thì đó là startup, cần đổ tiền ra để thống lĩnh thị trường, những năm đầu tiên lỗ lãi không phải là mối quan tâm số một, mà là sự mở rộng thị trường theo hàm mũ (muốn thế nhà phải có điều kiện). Trong trường hợp này, startup sẽ đi theo hướng “tranditional business, but non – tranditional business model”.
  • Nhà đầu tư sẽ nhìn vào tiềm năng phát triển hàm mũ này, chứ không phải P/E ratio, để ra quyết định đầu tư.
  • Nếu không có một công nghệ gì đột phá có thể tạo ra sự phát triển hàm mũ, sản phẩm/công nghệ của mình cũng không phải là dành cho chục hàng triệu người dùng (hơn thế càng tốt), hoặc không tìm ra một non-traditional business model mới có thể tạo ra sự phát triển theo hàm mũ như vậy, thì tốt nhất là làm SME bằng cách tạo ra các sản phẩm/dịch vụ cạnh tranh nhất, quản trị hiệu quả nhất để có lãi ngay từ những ngày đầu và hài lòng với sự phát triển tuyến tính của nó.

Khả năng quy trình hóa

Start up tập trung vào việc quy trình hóa các công việc trong bộ máy vận hành để khiến nó có thể chuyển giao được cho nhiều người. SME thường thực hiện những việc: ‘không thể thay thế được “, thường thực hiện tại một địa phương, giữ những bí quyết bí truyền khó chuyển giao, hoặc tập trung vào năng lực xuất sắc của một cá nhân nào đó. Ví dụ như mô hình dịch vụ, nhà hàng ăn uống, tiệm giặt là…

Chủ sở hữu

SME thường là các công ty gia đình, ít huy động vốn từ bên ngoài.

Start up thường sẵn sàng chia sẻ cổ phần công ty cho nhiều nhà đầu tư khác để công ty có thể sử dụng các đòn bẩy vốn đó phát triển đột phá trong thời gian ngắn. (Đa phần các founder của các Start up chỉ giữ lại một phần nhỏ cổ phần ).

Tốc độ tăng trưởng

SME và start up cũng có sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng. SME có thể có lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên, tuy nhiên doanh thu tăng trưởng thường theo đường thẳng. Nhưng nếu được bơm vốn thì sẽ phản hồi tích cực lại ngay. 

Start up thường sẽ mất thời gian đầu để có được một số lượng người dùng nhất định, giai đoạn này thường sẽ thua lỗ và cần phải được nhà đầu tư rót vốn liên tục, hiệu quả đồng vốn không thấy được ngay mà thường được thể hiện qua lượng người dùng có được. Tuy nhiên khi thành công sẽ tăng trưởng mạnh mẽ theo cấp số nhân.

Nguồn: Công ty Tư vấn Quản lý OCD

Tham khảo thêm: 

Những chiến lược tăng trưởng kinh doanh dành cho start up

Quản lý tập trung và phi tập trung trong doanh nghiệp

Contact Us