Tiktok là gì?
Tiktok là ứng dụng được sáng lập bởi Bytedance, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây là nơi người dùng tạo ra các video ngắn, chỉnh sửa chúng bằng âm nhạc với các hiệu ứng đặc biệt, và chia sẻ các video cá nhân. Đó có thể là về việc họ hát nhép, nấu ăn, nhảy múa,… Bằng cách đó, Tiktok phát triển như một mạng xã hội, với nội dung chia sẻ chủ yếu là video.
Tiktok là nền tảng chia sẻ video lớn nhất trên thế giới hiện nay, thu hút hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Và mạng xã hội video âm nhạc này đang được coi là đối thủ đáng gờm của Youtube và Facebook trên “mặt trận” PR – Marketing online.
Xu hướng Tiktok xuất hiện từ bao giờ?
Tiktok là phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin của Trung Quốc vốn mới chỉ ra đời từ năm 2016. Nhưng chỉ mất có hai năm để làm mưa làm gió trên thị trường ứng dụng video cho các thiết bị di động toàn cầu.
Vào tháng 2 năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, Tiktok đã đạt mốc 1 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới. Trong đó gần 100 triệu lượt đến từ Mỹ và 250 triệu đến từ Ấn Độ.
Tiktok thành công nhờ đâu?
Đầu tiên hãy đề cập tới 3 xu hướng xã hội hiện nay:
Thứ nhất, công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ, với các mạng xã hội ra đời giúp người dùng kết nối, chia sẻ, đã mở đường cho sự bùng nổ thông tin. Hằng ngày, mọi người đều có thể tiếp cận với nguồn tin tức khổng lồ, không ngừng liên tục được cập nhật từng giờ từng phút. Và điều đó khiến người ta luôn cảm thấy bị quá tải trong việc tiếp nhận thông tin.
Thứ hai, cuộc sống ngày càng bận rộn, nên nhanh chóng và tiện ích trở thành tiêu chí được mọi người ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, người dùng cũng dần trở nên ít quan tâm và bị động hơn trong việc tiếp nhận thông tin.
Thứ ba, theo các nghiên cứu của Adweek, Forbes hay Content Marketing Institute, thì đa phần những người dùng đều thích nhìn hình ảnh hơn chữ viết, thích ngắm nghía hơn đọc và thích động hơn là tĩnh. Vì vậy, đầu tiên người ta bị hấp dẫn bởi bài viết hay, dần thì dễ bị thu hút bởi hình ảnh đẹp, và giờ thì người ta ngại đọc, ngại xem. mà chỉ muốn “nghe” và “nhìn” để nắm bắt thông tin thật nhanh chóng.
→ Và đó là điểm mấu chốt của Tiktok
Ra đời trên cơ sở nắm bắt được xu hướng chuyển từ đọc sang nghe và nhìn của người dùng, Tiktok đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Điều thu hút người xem là các video ngắn có âm nhạc rất bắt tai và hiệu ứng AI sống động. Với thời lượng chỉ 15 – 60 giây, Tiktok truyền tải nội dung cô đọng và hấp dẫn, với nhiều cách thể hiện độc đáo và hài hước, phụ trợ phần kịch bản gây cười. Cấu trúc đơn giản và thời thượng đó đã giúp cho nền tảng video âm nhạc này trở thành một chuẩn mực trong việc thu hút người dùng trẻ.
Tiktok – “Miền đất hứa” cho Marketing online
Không chỉ được coi là một món ăn tinh thần nhanh và có tính giải trí cao, mà mạng xã hội Tiktok cũng được nhận định là “miền đất hứa” cho hoạt động Marketing Online. Như cách các mạng xã hội khác đang phát triển và bội thu, quảng cáo Tiktok được coi công cụ quảng cáo vô cùng hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
Tại quê hương Trung Quốc, những thương hiệu lớn như Airbnb, Chevrolet, Dior hay Adidas đã kết hợp với Tiktok để phân phối quảng cáo đến người dùng. Tiktok đã nâng nhận diện thương hiệu của Airbnb lên 200% và yêu thích thương hiệu lên 89,2%. Con số ấn tượng trên cho thấy rằng đây thực sự là một “điểm chạm” đầy tiềm năng và là sân chơi mới cho những nhà quảng cáo và sáng tạo, phân phối quảng cáo đến đúng đối tượng mục tiêu.
Với những tính năng độc đáo được tạo ra trên nền tảng AI, cùng với sự đón đầu xu hướng của người dùng chuyển dần từ đọc sang nghe nhìn, Tiktok đã thành công khi tạo nên một app mang tầm “quốc dân” ở nhiều nước tại Châu Á và trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu tận dụng được Tiktok sẽ là một lợi thế để to lớn để tiếp cận dễ dàng các khách hàng trẻ vô cùng tiềm năng.
Nguồn: Công ty Giải pháp Công nghệ OOC
Tham khảo bài viết
Xu thế mới: Tích hợp các giải pháp công nghệ
Kết nối mạng lưới đổi mới – Giải bài toán sáng tạo trong cách mạng 4.0
Việt Nam có khả năng sánh ngang cùng các cường quốc về công nghệ số