Năm 2019 đã đi qua với nhiều sự kiện kinh tế thế giới có tầm ảnh hưởng với phạm vi rộng lớn trong nhiều khu vực và nhiều lĩnh vực, hãy cùng chúng tôi điểm danh lại 12 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật để có cái nhìn tổng quát cho các sự kiện nổi bật vừa diễn ra trong 1 năm vừa qua.
1. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung – sự kiện kinh tế bắt đầu từ tháng 7/2018 và tiếp tục diễn biến căng thẳng trong năm 2019 với bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu suy thoái. Cuộc chiến tăng nhiệt từ tháng 5 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh phá bỏ thỏa thuận đã cam kết. Sau các lần áp thuế, giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau lần lượt là 550 tỷ USD và 185 tỷ USD.
Đến ngày 23/8, Tổng thống Trump tiếp tục tuyên bố tăng thuế quan bổ sung lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/10. Ngoài ra, thuế quan áp lên lô 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên mức 15%, từ 10% như kế hoạch ban đầu. Một nửa của chương trình áp thuế này có hiệu lực từ ngày 1/9, số còn lại thực hiện từ ngày 15/12. Việc tăng thuế là cách đáp trả quyết định mà Trung Quốc đưa ra cùng ngày, áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Không những thế, Tổng thống Mỹ còn đánh một đòn bất ngờ vào ngành công nghệ Trung Quốc khi đưa Huawei vào ‘danh sách đen’ và đáp lại, Trung Quốc công bố danh sách ‘các thực thể không đáng tin cậy’.
Hai bên đạt được thỏa thuận thương mại
Đến cuối năm, hai bên tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng. Theo đó, Mỹ quyết định đình chỉ thuế nhập khẩu có hiệu lực vào ngày 15/12 vừa qua; trong khi đó Trung Quốc cam kết tăng cường mua số lượng lớn hàng nông sản Mỹ cùng một số điều khoản khác… Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán chiến tranh thương mại có thể vẫn kéo dài tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, do hai bên còn nghi kỵ lẫn nhau. Do đó, những vấn đề cốt lõi giữa Washington và Bắc Kinh nếu vẫn chưa được giải quyết triệt thì nó sẽ là yếu tố tiếp tục gây lo ngại trong năm 2020.
2. Sự thất bại của FB về dự án tiền Libra
Kể từ khi tuyên bố về kế hoạch đồng tiền ảo Libra vào tháng 6 với kỳ vọng mang đến cơ hội tiếp cận các giao dịch trực tuyến cho 1,7 tỷ người không có tài khoản ngân hàng, Facebook đã vấp phải không ít sự phản đối và các rào cản pháp lý. Facebook mô tả Libra là một “hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu”. Nói cách khác, Libra là tài sản kỹ thuật số do Facebook xây dựng, hoạt động dựa trên một phiên bản blockchain – công nghệ mã hóa được Bitcoin cùng nhiều loại tiền điện tử khác sử dụng – do chính công ty này tạo ra.
Dự án này làm dấy lên quan ngại và lo lắng đối với các nhà quản lý, cũng như các nhà chính trị về các vấn đề rửa tiền, tài trợ khủng bố, sự bảo mật riêng tư, cũng như việc nó có thể gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, làm thay đổi bộ mặt của nền tài chính thế giới. Ueli Maurer, Bộ trưởng tài chính Thụy Sỹ nói với kênh SRF “Tôi không nghĩ Libra có cơ hội nào với cấu trúc hiện tại của nó, bởi vì các ngân hàng trung ương sẽ không bao giờ chấp nhận rổ tiền tệ mà có Libra”. Bên cạnh đó, Facebook khả năng cao sẽ phải đối mặt với các trở ngại pháp lý và lo ngại độc quyền.
3. Khủng hoảng trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu
Trong năm 2019, một sự kiện kinh tế đáng chú ý là số lượng xe ô tô bán ra trên thế giới so với năm ngoái đã giảm đáng kể, ước tính lượng xe ô tô toàn cầu năm 2019 đã giảm 3,1 triệu xe so với 2018. Đây có thể nói là mức sụt giảm lớn nhất của thị trường ô tô trong những năm qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008. Trong nghiên cứu công bố cuối tháng 6/2019, AlixPartners nêu bật những nguyên nhân thách thức nền công nghiệp xe hơi toàn cầu, đứng đầu trong số đó là thị trường Trung Quốc không ngừng sa sút, liên tục đổ dốc trong 15 tháng liên tiếp.
Theo số liệu báo cáo bán hàng của Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc thì trong 10 tháng đầu năm 2019, doanh số bán ô tô thị trường này đã giảm 11% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, tại Mỹ số lượng xe ô tô bán ra cũng giảm so với năm ngoái 2% do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã từng bước đẩy lùi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu qua đó đã tác động trực tiếp lên ngành sản xuất,kinh doanh ô tô.
Vấn đề khí thải CO2
Nguyên nhân tiếp theo là vấn đề khí thải CO2 khiến ngành sản xuất xe hơi trở nên lao đao do nạn tắc đường đến ô nhiễm không khí khiến một phần dân cư ở các thành phố lớn có cái nhìn kém thiện cảm với các loại xe bốn bánh. Do đó, để phục vụ cho xu hướng nhu cầu thị trường thì theo dự tính, các nhà sản xuất cần đầu tư ít nhất 250 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới để giảm lượng thải khí carbon, phát triển xe điện và cống hiến những kiểu xe đời mới.
4. Chiến tranh thương mại Nhật – Hàn
Cuộc chiến bắt nguồn từ tháng 10/2018, khi mà Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết cho phép công dân nước này kiện các công ty Nhật vì các tổn thất mà họ gánh chịu trong thời chiến. Quyết định này khiến Nhật Bản tức giận vì cho rằng vấn đề đã được giải quyết theo Hiệp ước Quan hệ cơ bản Hàn Quốc và Nhật Bản năm 1965, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tuyên bố một cuộc chiến tranh thương mại chính thức với Hàn Quốc khi thực hiện hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao được sử dụng trong chất bán dẫn và thiết bị hiển thị từ ngày 1 tháng 7 năm 2019.
Trong bối cảnh đó, cả hai nước đều tung ra những đòn chí mạng trong thương mại, đặc biệt Nhật và Hàn đều loại bên còn lại khỏi “danh sách trắng” xuất khẩu, đặt ra các quy định quản lý ngặt nghèo gây khó cho hoạt động thương mại song phương. Cụ thể, Căng thẳng tăng nhiệt tiềm ẩn rủi ro tạo nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử trên toàn cầu do Nhật Bản kiểm soát tới 80% nguồn cung ứng các vật liệu bán dẫn. Về phía Hàn Quốc sản xuất tới 70% chip bộ nhớ của toàn thế giới và 90% màn hình OLED – bộ phận quan trọng của màn hình máy tính và TV.
Đáp lại lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa ra khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phát động làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản ở trong nước.
5. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Ngày 5/8, một sự kiện kinh tế đáng chú ý khác là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã bất ngờ giảm mạnh 1,3% so với USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009. Việc ông Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnh trở lại của CNY. Trong một động thái gần như lập tức, Bộ Tài chính Mỹ trong ngày 5/8 đã thông báo xếp Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ ngay sau khi Trung Quốc hạ giá đồng CNY xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Việc Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đồng nội tệ yếu đi là cú đòn hiểm nhằm đối phó xung khắc thương mại với Mỹ giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chính sách này cũng có nhiều hạn chế, khiến cho nhiều nước bị vạ lây, cụ thể là các nước có quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư với Trung Quốc.
6. Biến động của thị trường dầu mỏ
Năm 2019, sự kiện kinh tế cho thấy thị trường dầu mỏ chứng kiến nhiều biến động lớn với sự ảm đạm trong bối cảnh kinh tế suy yếu và bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc. Đặc biệt, vào giữa tháng 9, dầu thô đã có bước nhảy vọt chưa từng thấy sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các mỏ dầu trọng yếu của Ả Rập Xê-út.
Nhưng chỉ sau một vài tuần, dầu trở lại mức trước đó và xuất hiện mối lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng thừa cung. Nguyên nhân của sự thay đổi là do sự bùng nổ của sản xuất đá phiến đã cho phép Mỹ vượt Ả-rập Xê-út, trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, sau khi xuất khẩu dầu thô của Mỹ vượt hơn ba triệu thùng/ngày.
Nhằm tránh tình trạng dư nguồn cung cũng như để hỗ trợ giá dầu, đầu tháng 7-2019, OPEC và các đồng minh đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ đến cuối tháng 3-2020. Lời kêu gọi hợp tác nhằm ổn định thị trường “vàng đen” được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của thế giới đang chậm lại và triển vọng kinh tế toàn cầu được cho là sẽ chỉ có thể cải thiện sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết.
7. Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm
Sự kiện nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại do cuộc chiến tranh thương mại và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu đã khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) hạ lãi suất 0,25% từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25% để kích thích tăng trưởng kinh tế. Không dừng lại ở đó, Fed đã tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 10 và sau đó giữ nguyên lãi suất ở mức 1,5-1,75% để giúp nền kinh tế Mỹ duy trì đà ổn định.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed cũng dẫn đến việc chứng khoán đồng loạt tăng điểm và giá vàng trên thế giới tăng cao hơn. Theo sau Fed, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, bao gồm cả Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã cắt giảm lãi suất hơn để củng cố nền kinh tế của họ.
8. Trung Quốc suy giảm tốc độ tăng trưởng
Trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,2%, mức yếu nhất trong gần 30 năm. Con số này cho thấy cuộc suy thoái kéo dài và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng trầm trọng vào sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tháng 10/2019, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng 9 và dưới mức dự báo trung bình là 5,4%. Ngoài ra, sản lượng hàng nhập khẩu cũng lao dốc 8,5%, điều này cho thấy mọi ngóc ngách của thị trường sản xuất và tiêu dùng Trung Quốc đều bị tổn thương.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, rất nhiều quốc gia khác cũng chịu tác động tiêu cực. Là quốc gia đông dân nhất và đứng thứ 2 thế giới về nền kinh tế, việc người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu tiết kiệm hơn chính là nguyên nhân kéo theo doanh thu của hàng loạt các công ty giảm mạnh, gây ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng khác và là nguyên nhân của sự suy thoái đối với nền kinh tế toàn cầu.
9. Các startup công nghệ lớn gặp khó khi IPO
Năm 2019 chứng kiến việc hàng loạt startup công nghệ với mức định giá hàng chục tỷ USD công bố chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và gặp không ít khó khăn trước và sau IPO, tiêu biểu là trường hợp của WeWork, Lyft và Uber. Cụ thể, sau chưa đến nửa năm IPO và niêm yết, cổ phiếu của hai ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới là Uber và Lyft đã kịp giảm giá lần lượt 28% và 47% trái với những kỳ vọng và mức định giá trước đó.
Trường hợp của WeWork thậm chí còn tạo hiệu ứng thất vọng lan tràn đối với các nhà đầu tư, bởi startup này nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ SoftBank. Tuy nhiên, công ty này từ lúc hoạt động cho đến thời điểm nộp hồ sơ IPO đã lỗ hàng tỷ USD, CEO Adam Neumann phải rời khỏi công ty và hoãn IPO vô thời hạn, mức định giá giảm từ 47 tỷ USD xuống còn 8 tỷ USD!
Hàng loạt cái tên công nghệ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Pinterest, Slack Technologies và SmileDirectClub. Điều này đã dẫn đến việc các nhà đầu tư cẩn trọng hơn với startup công nghệ, kéo theo dòng vốn đổ vào lĩnh vực này đã chậm lại trong năm 2019.
10. Thỏa thuận Brexit được nghị viện Anh thông qua
Ngày 20/12, Với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, cuối cùng Hạ viện Anh đã thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit sau ba năm bắt đầu tiến trình đầy trắc trở đưa Anh “chia tay mái nhà chung châu Âu”. Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit chỉ tám ngày sau khi đảng Bảo thủ của ông Johnson giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử trước thời hạn với khẩu hiệu “hoàn tất Brexit”. Sau cuộc bỏ phiếu này, Hạ viện Anh sẽ tiến hành phiên họp thông qua đại cương dự luật thỏa thuận Brexit, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này chính thức được phê chuẩn.
Thỏa thuận Brexit được thông qua đồng nghĩa với việc Anh sẽ rời EU vào ngày 31/1/2020. Sau khi giai đoạn chuyển tiếp được kích hoạt, Anh và EU sẽ có 11 tháng để đàm phán về quan hệ giữa hai bên trong tương lai.
11. WTO gặp khủng hoảng về giải quyết tranh chấp
Sự bế tắc giữa Mỹ và các thành viên khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) – sự kiện kinh tế, bao gồm cả Liên minh châu Âu và Trung Quốc, đang làm tê liệt tòa án hàng đầu thế giới và đe dọa sự sống còn của cơ quan thương mại toàn cầu. Ngày 10/12, Cơ quan phúc thẩm WTO không còn đủ thẩm phán để phán quyết các tranh chấp thương mại lớn giữa các quốc gia. Những nỗ lực hiện đại hóa các quy tắc của WTO đối với các thách thức như chủ nghĩa tư bản nhà nước gây méo mó thị trường đã nhiều lần thất bại và một cuộc tranh chấp xuyên Đại Tây Dương về hoạt động của cơ quan phúc thẩm đã làm dấy lên sự chia rẽ đang đe dọa đến cốt lõi của WTO.
Khả năng của WTO trong việc kiểm soát thương mại toàn cầu dựa vào Cơ quan phúc thẩm gồm bảy thẩm phán, tuy nhiên Cơ quan phúc thẩm hiện đã có 4 thẩm phán nghỉ hưu và 2 thẩm phán nữa vừa hết nhiệm kỳ vào ngày 9/12, có nghĩa là sẽ chỉ còn 1 thẩm phán của cơ quan phúc thẩm.
Việc Mỹ ngăn chặn các bổ nhiệm thẩm phán mới và liên tiếp khiếu nại về thẩm quyền của Cơ quan phúc thẩm đã kích hoạt cuộc khủng hoảng hiện tại của WTO. Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề của WTO vượt xa mọi cuộc khủng hoảng của Cơ quan phúc thẩm.
12. Thị trường thịt lợn thế giới chao đảo
Năm 2019, Một sự kiện kinh tế đáng chú ý là do sự tàn phá của dịch tả lợn châu Phi (ASF) dẫn đến gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng mà lớn nhất là tại Trung Quốc khiến Thị trường thịt lợn thế giới chao đảo và đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi giá tăng cao kỷ lục. Liên tục tăng từ tháng 3 cho đến nay, hiện giá thịt lợn tại nước này đã cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí con số này còn lên tới 100% tại một số khu vực.
Tại Châu Âu, dịch ASF cũng bùng phát ở nhiều nước như Bỉ, Hungary, Ba Lan…khiến giá thịt lợn tăng lên 35%, đạt mức cao nhất 6 năm qua. ASF cũng đã và đang lan rộng sang các nước vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Philippines. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2020 sẽ vẫn giảm tiếp khoảng 10%. Tại Philippines, sản lượng thịt lợn ước giảm 16%. Theo dự báo, thị trường thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai. Việc thịt lợn tăng giá khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang các thực phẩm khác cũng sẽ đẩy giá các loại thịt khác tăng theo.
Nguồn: Công ty Giải pháp Công nghệ OOC
Đọc thêm: 5 lý do phần mềm nhân sự không đáp ứng được nhu cầu quản lý?