Trong số các nước, vùng lãnh thổ châu Á, Đài Loan có hệ thống giao thông và thu phí giao thông hiện đại. Hệ thống thu phí đường bộ thực hiện thu phí đa làn không dừng, chỉ có các cổng long môn gắn thiết bị thu phí tự động mà tại đó, xe ô tô vẫn có thể chạy đều 100km/h.
Để có thành quả này, Đài Loan cũng mất nhiều năm thực hiện, năm 2006, Đài Loan áp dụng thu phí tự động, sử dụng công nghệ OBU. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này thời gian đầu cũng không thành công như mong đợi, vì đến năm 2011, mới chỉ có trên 40% xe ô tô lắp đặt thiết bị.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chi phí lắp đặt thiết bị OBU khá đắt đỏ. Trước tình thế này, đến năm 2014, Đài Loan chuyển đổi ứng dụng công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến (RFID). Sau một năm áp dụng trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam, số lượng khách hàng tăng vọt lên trên 90% tổng số ô tô của Đài Loan.
Đài Loan đưa ra cho khách hàng nhiều hình thức trả phí linh hoạt như: Qua thẻ ngân hàng được kết nối với thẻ Etag, nạp tiền tại các cửa hàng tiện lợi hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đặc biệt, nếu như trước đây người tham gia giao thông trả tiền phí theo chặng thì với công nghệ Etag, tiền phí được tính theo km và được điều chỉnh linh hoạt tùy theo giờ cao điểm và thấp điểm, đảm bảo công bằng và rẻ hơn.
Tại Việt Nam, dự án thu phí tự động không dừng được thực hiện từ năm 2017. Sau gần ba năm thực hiện, mặc dù đã có nhiều giải pháp khuyến khích nhưng lượng phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ vẫn ở mức thấp. Hiện, mới chỉ có khoảng 700 nghìn trong tổng số trên 3 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ, tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng trên 30% trong tổng số phương tiện đã nạp thẻ.
Tôi cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của người dân, cảm thấy rủi ro khi thanh toán trực tuyến vẫn là yếu tố cản trở lớn nhất. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch trực tuyến và tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm tới trên 60%. Số liệu này phần nào phản ánh thực tế lượng người dùng dịch vụ thu phí không dừng rất ít, gây khó khăn cho phát triển dịch vụ.
Việt Nam được đánh giá là một nước có nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng giao dịch tiền mặt. Nhưng “thành trì” kiên cố nhất cần được phá vỡ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chính là phải thay đổi thói quen tiêu tiền mặt cố hữu của người dân.
Nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam, thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta cần bước đi phù hợp. Chính phủ cần đưa ra quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị. Cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, các bên cũng cần chung tay truyền thông để thanh toán điện tử trở nên quen thuộc, thân thiện với mọi người dân.
Việc ứng dụng thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông hướng tới kết nối hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng, tiến tới cho phép trả sau thay vì trả trước như hiện nay. Đồng thời, tích hợp thanh toán cùng lúc nhiều loại phí phương tiện giao thông như: Phí sân bay, đường bộ, tàu điện ngầm, xe buýt… sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Với những ưu điểm tích cực, hình thức thanh toán này sẽ mang lại tiện ích rất nhiều trong sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Nguồn : baogiaothong.vn
Tham khảo thêm tại : Việt Nam 2019: Thời khắc bùng nổ kinh tế số