Dạo gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao vì thông tin thương hiệu bán lẻ đình đám tại Mỹ Forever 21 nộp đơn phá sản theo nhằm tái cấu trúc mảng kinh doanh. Việc Forever nộp đơn phá sản sẽ giúp công ty loại bỏ những cửa hàng không mang lại lợi nhuận và tái cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp.
Forever 21 nộp đơn phá sản
Forever 21 là thương hiệu thời trang nổi tiếng được thành lập bởi hai vợ chồng người Hàn Quốc là Do Won Chang và Jin Sook Chang. Với bàn tay tài hoa và chính sách quản lý đúng đắn, Forever 21 dần đã trở thành thương hiệu tiên phong của ngành công nghiệp Fast Fashion – “thời trang ăn liền”.
Tiêu chí mà Forever 21 luôn hướng đến là quần áo phải hợp mốt, chất lượng nhưng giá thành lại khá bình dân, có thể dành cho mọi tầng lớp khách hàng. Không chỉ có các mặt hàng đa dạng. F21 cũng có nhiều mức giá khác nhau để phù hợp với nhu cầu của các khách hàng khác nhau. Forever 21 đã dần khẳng định mình và trở thành nhãn hiệu thời trang uy tín, có thể cạnh tranh với các hãng thời trang thông dụng khác như Wet Seal, H&M, New Look và Charlotte Russe.
Mặc dù Forever 21 nộp đơn phá sản nhưng Linda Chang, Phó Chủ tịch Forever 21 trả lời trên Business Insider, cho hay: “Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của Forever 21, điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái định vị thương hiệu”.
Ngành “ thời trang ăn liền “ đang gặp nguy hiểm?
Thời trang ăn liền cơ bản là sản xuất quần áo bình dân với giá tầm trung dựa trên các thiết kế trên sàn diễn thời trang và bán ra càng nhanh càng tốt để đáp ứng được xu hướng, nhu cầu thời trang mới nhất.
Hãng thời trang ăn liền mới nhất sụp đổ là Forever 21 nộp đơn phá sản trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang lên ngôi, khiến lượng khách tới các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ giảm đáng kể. Khối nợ lớn cùng với chi phí mặt bằng cao cũng là gánh nặng lớn đối với các hãng bán lẻ truyền thống.
Từ đầu năm đến nay, các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm ngoái, theo dữ liệu từ Coresight Research. Arcadia Group, công ty mẹ của Topshop và Topman (Anh), cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào giữa tháng 5. Hay hãng bán lẻ Payless ShoeSource và Gymboree của Mỹ đều đã đệ đơn xin phá sản lần thứ hai, đóng cửa tổng cộng gần 3.000 cửa hàng. Coresight dự báo số lượng cửa hàng bán lẻ truyền thống bị đóng cửa có thể lên tới 12.000 vào cuối năm 2019.
Ảnh hưởng của môi trường đến với ngành thời trang
Thêm vào đó trong những năm gần đây, thời trang bền vững đã gây chú ý với thế hệ trẻ, những người này tập trung vào việc hạn chế thời trang ăn liền để gia tăng những tác động tích cực đến môi trường.
Điều này cũng tác động đến doanh thu của các hãng thời trang “ăn liền” như kể từ tháng 6-2017, cổ phiếu của Zara đã giảm 27%, trong khi cổ phiếu của H&M đã giảm 23%.
Trong khi đó, các hãng thời trang như Reformation lại đang phát triển mạnh mẽ. Permira Advisers, một công ty cổ phần tư nhân toàn cầu cho biết họ đã có được phần lớn cổ phần trong hãng thời trang bền vững này.
Theo dự đoán của công ty phân tích thị trường bán lẻ Global Data cho biết đến năm 2028, thị trường thời trang đã qua sử dụng ở Mỹ dự kiến sẽ đạt 64 tỉ USD, trong khi thời trang nhanh sẽ đạt 44 tỉ USD.
Nguồn: Báo mới
Đọc thêm:
Doanh nghiệp với người tiêu dùng trong chuyển đổi số
Bí quyết quản lý nhân sự hiệu quả của chủ tịch tập đoàn Samsung