Phỏng vấn là vòng thi tối quan trọng trong quy trình ứng tuyển vào các công ty tư vấn chiến lược. Bài viết dưới đây đem đến cho bạn đọc 12 lời khuyên cho một buổi phỏng vấn thành công.
Lắng nghe câu hỏi
Lời khuyên đầu tiên cho bạn khi phỏng vấn là hãy lắng nghe. Lắng nghe là kỹ năng quan trọng nhất của một nhà tư vấn chiến lược. Các tình huống được đưa ra không phải để giải quyết các vấn đề của bạn hay nhà tuyển dụng, mà để giải quyết các vấn đề của khách hàng. Khách hàng thực sự mong muốn điều gì? Hãy chú ý tới câu hỏi cuối cùng – một từ ngữ có thể làm thay đổi toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện.
Ghi chú
Ghi chú trong buổi phỏng vấn sẽ giúp ứng viên dễ dàng nắm bắt các thông tin của tình huống được đưa ra. Điều này cho phép ứng viên kiểm tra lại các chi tiết có thể bị bỏ quên trong suốt buổi phỏng vấn.
Tóm tắt câu hỏi
Sau khi câu hỏi được đưa ra, hãy dành ra vài giây để tóm tắt lại tình huống với nhà tuyển dụng.
Mục đích của việc tóm tắt câu hỏi:
– Thể hiện rằng bạn lắng nghe câu hỏi một cách nghiêm túc.
– Cho phép bạn lắng nghe các thông tin một lần nữa.
– Tránh việc trả lời sai trọng tâm.
– Cho bạn khoảng thời gian để suy nghĩ về câu trả lời.
Xác minh mục tiêu
Những nhà tư vấn chiến lược giàu kinh nghiệm thường yêu cầu khách hàng của họ xác minh mục tiêu của mình. Ngay cả khi mục tiêu có vẻ rõ ràng, vẫn có thể tồn tại những mục tiêu khác ẩn giấu sau đó. Hãy đặt câu hỏi với khách hàng: “ Mục tiêu thứ nhất là tăng doanh số. Còn mục tiêu nào khác mà chúng tôi nên biết không?”.
Đặt câu hỏi
Việc đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn nhằm ba mục đích chính:
– Giúp bạn thu thập được các thông tin bổ sung nhằm làm rõ và định hướng cho câu trả lời.
– Chứng minh với nhà tuyển dụng rằng bạn không ngại ngùng với việc đặt câu hỏi trong những tình huống phức tạp (điều bạn cần làm một cách thường xuyên với tư cách một nhà tư vấn chiến lược).
– Biến câu hỏi thành hoạt động tương tác với nhà tuyển dụng (không điều gì kết thúc một buổi phỏng vấn nhanh hơn một cuộc độc thoại năm phút).
Khi mới bắt đầu cuộc phỏng vấn, bạn nên đặt những câu hỏi cơ bản về công ty, về ngành, đối thủ cạnh tranh, các yếu tố bên ngoài và sản phẩm. Bạn càng hiểu sâu về tình huống, bạn càng có nhiều cơ hội tiếp cận câu trả lời. Bạn có thể gặp tình huống khó xử khi đặt những câu hỏi quá rộng và bao quát khiến nhà tuyển dụng khó đưa ra câu trả lời. Việc đặt những câu hỏi đó giống như bạn đang cố gắng khiến cho nhà tuyển dụng giải đáp tình huống thay bạn. Bạn sẽ biết được khi nào câu hỏi của bạn vượt quá giới hạn nhà tuyển dụng có thể trả lời khi họ hỏi bạn: “Bạn nghĩ như nào về điều đó?”.
Sắp xếp câu trả lời
Sắp xếp và định hướng câu trả lời của bạn – đây là phần phức tạp nhất, và cũng quan trọng nhất trong việc giải quyết tình huống. Đây là bước quan trọng nhất giúp nhà tuyển dụng đưa ra quyết định có liên lạc với bạn sau buổi phỏng vấn hay không.
Suy nghĩ thấu đáo
Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra các luận điểm. Nếu bạn đưa ra bất kì quan điểm thiếu cơ sở nào trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của bạn khi gặp gỡ khách hàng, và buổi phỏng vấn sẽ kết thúc.
Kiểm soát thời gian
Bạn cần đưa ra câu trả lời đúng trọng tâm, không lan man. Trả lời theo chiều hướng vĩ mô và tập trung và câu hỏi ban đầu.
Làm việc với những con số
Chứng minh rằng bạn có khả năng lượng hóa vấn đề và nhạy bén với những con số. Khi thực hiện các phép toán, hãy giải thích những điều bạn suy nghĩ và đưa ra lý do vì sao bạn có những suy nghĩ đó. Hãy sử dụng thời gian một cách hiệu quả, đừng để xảy ra những sai lầm do bất cẩn.
Hãy kết nối
Lắng nghe feedback của nhà tuyển dụng. Liệu họ có đang cố gắng giúp bạn trả lời theo phương hướng khác? Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của họ. Liệu họ có đang cảm thấy nhàm chán? Họ sẽ gật đầu với bạn? Liệu họ có cảm thấy hứng thú với bạn?
Hãy yêu cầu sự giúp đỡ khi bạn cần. Khi bạn cảm thấy bế tắc, mất phương hướng và gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, hãy yêu cầu được giúp đỡ. Yêu cầu sự giúp đỡ không phải là điều đáng xấu hổ – đó là dấu hiệu của sự trưởng thành. Khi bạn đang thực hiện một dự án trên thực tế và gặp khó khăn, nhà tuyển dụng mong muốn bạn sẽ yêu cầu sự giúp đỡ hơn là lãng phí thời gian mà không giải quyết được điều gì.
Brainstorm
Brainstorm giúp bạn tránh việc lãng phí thời gian vào những con đường dẫn vào ngõ cụt. Nó cho bạn cơ hội xem lại tất cả các lựa chọn và loại bỏ những lựa chọn không phù hợp. Các công ty tư vấn chiến lược ưa chuộng những ứng viên có sự sáng tạo và tạo ra sự khác biệt.
Thể hiện sự nhiệt huyết và đam mê
Kỹ năng và trình độ thôi là chưa đủ, bạn cần thực sự đam mê và hứng thú với việc giải quyết các tình huống. Nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm những ứng viên yêu thích việc xử lý các vấn đề và thể hiện sự nhiệt huyết trong suốt buổi phỏng vấn.
Xem thêm: Làm thế nào để có được một cuộc phỏng vấn tại McKinsey, Bain, BCG tại đây.
Kết
Bên cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ là những tiêu chí quan trọng để bạn có thể thành công “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Mong rằng với 12 lời khuyên được nêu trong bài viết, các ứng viên có thể thành công vượt qua các buổi phỏng vấn.
Nguồn tiếng Anh: Case In Point: Complete Case Interview Preparation – Marc P. Consentino (4th Edition)