Giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu kinh tế và hầu như các nhà giáo dục đều biết đến ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE và viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED). Ra đời cách đây gần 20 năm, PACE là một trong những trường học dạy về quản lý, quản trị doanh nghiệp có lịch sử lâu đời bậc nhất tại Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện nay, PACE đã góp phần đáng kể trong nâng cao trình độ quản lý – quản trị của rất nhiều thế hệ doanh nhân tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trong buổi Tọa đàm “Phân định vai trò giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý trong vận hành doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao trong kinh doanh”, do Tạp chí TheLeader tổ chức gần đây, ông Giản Tư Trung đã có khá nhiều chia sẻ tâm huyết về nhà lãnh đạo, về quản lý – quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo ông, hiện nay có 4 phong cách lãnh đạo.
4 phong cách lãnh đạo tiêu biểu trong xã hội
“Có 4 phong cách lãnh đạo tiêu biểu trong xã hội” – Theo lời ông Giản Tư Trung:
Thứ nhất là phong cách lãnh đạo “dẫn dắt”
Phải là người có tầm nhìn mới có thể trở thành lãnh đạo dẫn dắt, như ông Lý Quang Diệu – cố Thủ tướng đầu tiên của Singapore. Với những chính sách mang tầm nhìn chiến lược tầm cỡ thế giới, ông Lý Quang Diệu đã để lại cho Singapore tài sản vô giá – Một quốc gia phát triển thịnh vượng và hài hòa giữa các sắc tộc. Điều mà như nhiều nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia nhận định, khó có một ai sau này có thể “theo kịp” được người tiền nhiệm xuất sắc nhất của họ.
Thứ hai là phong cách lãnh đạo “xoay xở”
Kiểu lãnh đạo này tuy không lý tưởng như loại đầu tiên, nhưng cũng tốt hơn nhiều so với các kiểu sau. Để có thể “xoay xở”, người đứng đầu doanh nghiệp cần có bản lĩnh và sự tháo vát nhất định để xử lý các vấn đề. Những người lãnh đạo như vậy tuy chưa phát triển được doanh nghiệp tạo ra đột phá, bước lên tầm cao mới. Nhưng cũng sẽ ổn định và chèo chống giúp doanh nghiệp luôn đứng vững và thay đổi kịp thời để thích nghi với những yêu cầu của thời đại.
Thứ ba là lãnh đạo “đơ”
Kiểu thứ ba không dẫn dắt, chẳng xoay xở, mà cứ ‘đơ’ ra đấy, người khác “ủi” cũng không đi. Người ta thường ví von vui, leader là những người phải “lead’ chứ không được “đơ”, còn kiểu lãnh đạo thứ ba này là “đơ” chứ không “lead”. Kiểu này thường là đặc điểm của những người vốn là những nhân viên rất tốt, sau đó được cất nhắc lên làm sếp. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, họ vẫn chưa thể làm quen và thành thục kỹ năng sắp xếp và giao việc, mà vẫn giữ nguyên thói cũ “chỉ đâu đánh đấy”. Họ có chức vị danh nghĩa là lãnh đạo, nhưng thực tế vẫn chưa hoặc không chủ động trong công việc.
Nếu để những người như vậy làm lãnh đạo về lâu dài, thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng cửa sớm trước những thay đổi chóng mặt của thị trường. Nhưng nếu những người này chịu khó nỗ lực thay đổi, thì sẽ cứu vãn được khi họ tự nâng cấp mình thành lãnh đạo kiểu thứ hai – “xoay xở”.
Thứ tư là lãnh đạo “thọc gậy bánh xe”
Kiểu lãnh đạo “đơ” đã tệ hại, kiểu thứ tư còn khủng khiếp hơn – Họ không những “đơ”, mà khi người khác cố đẩy, họ còn “thọc gậy bánh xe” nữa”. Đây là dạng người hết sức lạc hậu nhưng lại bảo thủ và không có sự cầu tiến. Họ đứng yên khi thế giới vận động và phát triển liên tục. Khi có người khai sáng để giúp doanh nghiệp tiến lên thì họ lại hết sức từ chối, thậm chí còn dùng những lý lẽ, kinh nghiệm cũ rích để chen ngang cản trở, thậm chí là phá hỏng cả tiến trình đổi mới.
Tư tưởng cổ hủ tệ hại của những người lãnh đạo này ảnh hưởng và cản trở cả một hệ thống tư duy dưới họ. Những nhân viên có nhận thức tốt đương nhiên sẽ rời bỏ khỏi một doanh nghiệp có những người lãnh đạo như vậy. Theo thời gian, sẽ chỉ còn lại một đội ngũ nhân lực với tư duy lạc hậu giống với người đứng đầu của họ. Doanh nghiệp trượt dốc, và phá sản trước sức ép của thị trường – xã hội đương nhiên trở thành hệ quả trở tất yếu.
Theo ông Giản Tư Trung, nói lên những nhận định trên là để các nhà lãnh đạo tự nhận thức và đánh giá được mình đang quản trị như thế nào. Ngoài ra, ông Giản Tư Trung phân định như vậy không phải muốn chê bai hoặc khích bác ai đó, mà hy vọng những người lãnh đạo – Sau khi nhận ra được mình đang thuộc kiểu nào, thì cố gắng thay đổi và chuyển hóa bản thân để trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn.
Bàn về quản trị doanh nghiệp
Corporate governance là quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm này tại Việt Nam vẫn còn khá nhập nhằng do cấu trúc bộ máy của các doanh nghiệp thường là “đa năng, đa nhiệm”. Cụ thể, hầu hết chủ doanh nghiệp vừa là người sở hữu doanh nghiệp, vừa là quản lý, vừa là nhà lãnh đạo,… Nên họ không cần corporate governance. Đại đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang có quản lý doanh nghiệp – corporate management hoặc quản lý kinh doanh – business management, chứ chưa xuất hiện “corporate governance” đúng nghĩa.
Theo ông Giản Tư Trung, thì ngày nay, không chỉ CEO mà cả Chủ tịch, các chủ doanh nghiệp vẫn có thể đi thuê. Bởi, sẽ không thể có CEO chuyên nghiệp nếu không có Chủ tịch chuyên nghiệp! Bản thân người chủ nếu không có khả năng làm CEO lẫn Chủ tịch, thì họ thuê và chỉ làm người đầu tư chuyên nghiệp.
Cũng theo quan điểm của ông, chỉ những doanh nhân làm ăn “cò con” hoặc không bền vững, mới không cần quan tâm tới khoa học quản trị. Còn nếu muốn đi đường dài, chắc chắn cần phải dành sự quan tâm đúng mức. Cảm tính, trực giác và kinh nghiệm không bao giờ mất đi trong quản trị, nhưng quản trị theo khoa học là điều không thể thiếu trong quản trị chuyên nghiệp.
Nguồn: Cafebiz – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE Giản Tư Trung: Có 4 kiểu lãnh đạo trong xã hội – kiểu dẫn dắt, kiểu xoay xở, kiểu ‘đơ’ và kiểu ‘thọc gậy bánh xe’
Tham khảo bài viết
7 lợi ích của chương trình đào tạo quản lý doanh nghiệp
Tư vấn chiến lược – Vai trò của chuyên gia trong quản lý doanh nghiệp