Chia sẻ tri thức

Martech xu hướng công nghệ Marketing của doanh nghiệp

martech 4.0
Rate this post

Mobio được thành lập từ năm 2017. Với tầm nhìn trở thành người tiên phong  của xu hướng kỹ thuật số và thương hiệu hàng đầu trong các giải pháp MarTech  và CEM tại Việt Nam, Mobio hiện đang cung cấp 2 giải pháp phần mềm trên  nền tảng số là DMP (Digital Marketing Platform) và CEM (Customer Experience  Management) cho 2 hoạt động Digital Marketing và Loyalty.

martech 4.0
martech 4.0

Công nghệ Marketing Technology (MarTech) ra đời đánh dấu sự chuyển mình từ Marketing truyền thống sang Marketing công nghệ số hay còn gọi là Digital Marketing, từ đó đặt ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội lẫn thách thức trong việc bắt kịp xu hướng và nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Marketing.

Công ty Tư vấn Quản lý OCD đã có buổi phỏng vấn và lắng nghe chia sẻ của Ông Lê Hùng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng phần mềm Mobio Việt Nam về sự phát triển của MarTech, những khó khăn thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ việc triển khai phần mềm Marketing trong các doanh nghiệp.

PV: Xin chào Ông Lê Hùng, cảm ơn ông vì đã dành thời gian cho chúng tôi, Ông có thể giải thích rõ hơn về MarTech?

Ông Hùng: MarTech là tập hợp các giải pháp, nền tảng công nghệ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm/ thương hiệu đến với khách hàng mục tiêu trên hàng loạt các kênh thông tin số (Digital Channel). Bản thân MarTech là từ ghép giữa Marketing và Technology đã diễn giải điều này.

Khi người tiêu dùng ngày nay dành càng nhiều thời gian trên Internet, hành vi và trải nghiệm trên các kênh Digital còn tác động đến quyết định mua hàng còn mạnh hơn kênh offline thì việc doanh nghiệp áp dụng MarTech là xu hướng bắt buộc. Sử dụng các giải pháp MarTech đúng và đủ, sẽ mang lại Trải Nghiệm Số tốt cho người tiêu dùng và là một phần quan trọng trong bước chuyển dịch số (Digital Tranformation) của doanh nghiệp.

Marketing Digital chia thành 2 nhóm là inbound và outbound.  Các công nghệ của MarTech sẽ khai thác hết sức mạnh của cả inbound lẫn outbound, là nơi trung chuyển nối 2 phần dữ liệu lại với nhau. Đối với ngành MarTech, có một thuật ngữ nổi tiếng là “Data driven Marketing – Marketing dựa vào dữ liệu”. Các giải pháp MarTech dựa vào công nghệ, dữ liệu để tự động hóa và tối ưu hiệu quả làm Marketing trên Internet cũng được ngầm hiểu nằm trong nhánh Performance Marketing tức Marketing có đo lường chuyển đổi – thay vì Branding – làm thương hiệu.

PV: : Theo Ông, lợi ích chủ yếu mà các doanh nghiệp thu được khi ứng dụng phần mềm MarTech là gì?

Ông Hùng: Đối với doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ thì lợi ích khi ứng dụng phần mềm MarTech sẽ là:

  • Tự động hóa quy trình tạo ra cơ hội bán hàng (Lead Gen), hoặc nuôi dưỡng cơ hội bán hàng (Lead Nurturing)
  • Tăng trải nghiệm của khách hàng, người tiêu dùng với doanh nghiệp trên kênh Digital
  • Giảm sự phụ thuộc (chi phí) vào các kênh quảng cáo
3 loi ich cua MarTech
3 loi ich cua MarTech

Ngoài ra, phần mềm đem lại hiệu quả tốt về mặt vận hành và tính tốc độ trong xử lý dữ liệu, hỗ trợ kịp thời trong quá trình phân tích và ra quyết định. Quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số cũng là quá trình quản lý sự thay đổi và thích nghi với thời đại của doanh nghiệp để chuyển mình nhanh hơn trong cạnh tranh và phát triển.

PV: Phần mềm MarTech phù hợp với quy mô và loại hình doanh nghiệp nào?

Ông Hùng: Ứng dụng Phần mềm Martech không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ mà phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt với những doanh nghiệp có sự tương tác với lượng lớn khách hàng thì phần mềm Martech sẽ phát huy được hiệu quả cao.

Chính bởi vậy, loại hình B2C ứng dụng MarTech sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Các doanh nghiệp B2C rất  cần Digital vì lượng khách của B2C là vài trăm nghìn, lên tới cả triệu, không doanh nghiệp B2C nào làm Marketing theo kiểu tổ chức hội thảo mà giải quyết được cả.

Các doanh nghiệp B2B thường thiên về Marketing Thương hiệu. Số lượng khách hàng của các doanh nghiệp B2B thường không nhiều vì thế áp dụng Digital Marketing, Performance Marketing không hiệu quả bằng B2C. Những doanh nghiệp B2B thường quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ sales, và bản thân đội sales đã thực hiện ít nhiều các công việc lẽ ra thuộc về Marketing.

cong nghe martech
cong nghe martech

PV: Phần mềm MarTech có phải là sự lựa chọn đầu tiên của doanh nghiệp trong quá trình phát triển và ứng dụng phần mềm?

Ông Hùng: Theo tôi là không! Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt đầu bằng Phần Mềm Kế Toán trước, tiếp theo là các phần mềm hỗ trợ bán hàng – POS, rồi tiếp đến là  CRM/ERP và MarTech. Tuy nhiên tại thời điểm này khi mà thời đại Internet và mạng xã hội phát triển, triển khai MarTech xứng đáng được đặt ngang hàng (triển khai song song) với các phần mềm nêu trên.

Bên cạnh đó, việc ưu tiên lựa chọn phần mềm MarTech trước hay sau phụ thuộc vào mô hình kinh doanh cũng như sản phẩm của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp sản xuất, tự tạo ra sản phẩm (Manufacturing) thì đúng là MarTech chưa phải thứ cần giải quyết trước mắt. Mối quan tâm hàng đầu của họ là bài toán quản trị sản xuất, quản lý nhân sự, kế toán, hay CRM vẫn có thể giúp họ tạo ra doanh thu ổn định. Còn đối với những doanh nghiệp thuần túy là hoạt động thương mại, bán lẻ thì việc họ nhận thức được tầm quan trọng của Marketing hay Sales là rất rõ ràng. Lúc này triển khai MarTech nên được ưu tiên triển khai song song trong nhóm đầu các phần mềm ứng dụng của doanh nghiệp.

PV: Theo ông, doanh nghiệp có những rào cản nào khi ứng dụng phần mềm MarTech?

Ông Hùng: Rào cản thì tôi thấy khá nhiều. Đối với các doanh nghiệp lớn, lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của Martech nhưng họ lại rất bận, không dành đủ thời gian để theo đến cùng. Một rào cản khác là tốc độ ra quyết định trong các tổ chức lớn thường thận trọng hơn, quá nhạy cảm trong việc bảo mật dữ liệu, nên quá trình triển khai dài và mức độ linh hoạt thấp, tăng được tính kiểm soát nhưng giảm tính hiệu quả, điều này làm cho các ứng dụng của công nghệ MarTech gặp nhiều khó khăn.

Rào cản tiếp theo đối với các doanh nghiệp lớn là suy nghĩ lối mòn rằng Marketing đồng nghĩa với làm thương hiệu. Điều này bắt nguồn từ thói quen tìm đến Agency để giải quyết các bài toán Marketing, nhưng tại Việt Nam – bởi vì MarTech vẫn còn mới – nên người làm Marketing có tên tuổi thường vẫn đang làm theo kiểu truyền thống như TCV, quảng cáo. Và vì vậy việc triển khai MarTech thực tế nhiều khi bị lệch hướng.

Bằng vào kinh nghiệm thực tế triển khai trên thị trường, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp lớn này cần được khai thông về kế hoạch, định hướng bởi một quá trình tư vấn chiến lược tầm trung và dài hạn trước và trong quá trình triển khai MarTech.

Còn rào cản đối với các doanh nghiệp SMEs thì còn nhiều hơn, họ vừa chưa có đủ kiến thức về ứng dụng Martech, vừa thiếu nhân lực, kinh phí cũng như thời gian. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu sức ép quá lớn về bán hàng, để sinh tồn và mục tiêu phát triển ngắn hạn. Do vậy mức độ áp dụng mới chỉ ở mức độ nhất thời, nhiều khi là “giật gấu vá vai”. Với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ này thì các rào cản trên có thể được giảm thiểu bằng việc đưa ra các công cụ dễ dùng và giá thành thấp để giảm áp lực lên nguồn kinh phí hạn chế của họ.

rao can martech_OOC
rao can martech_OOC

PV: Theo Ông, một doanh nghiệp muốn ứng dụng MarTech thành công thì cần lưu ý điều gì?

Ông Hùng: Đối với khách hàng doanh nghiệp lớn hay SMEs thì quan trọng nhất vẫn là quyết tâm thì đội ngũ triển khai, vận hành mới có động lực làm việc. Thứ hai là sự kiên nhẫn, muốn doanh số tăng ngay thì chỉ có đổ tiền chạy quảng cáo, giảm giá thành, còn nếu như mình thực sự muốn ứng dụng phần mềm MarTech thì phải cần thời gian. Thứ ba là cần nhân sự triển khai MarTech phù hợp. Cái may mắn là ngành Marketing không cần quy mô nhân sự lớn mà chỉ cần đúng người.

PV: Ông có thể chia sẻ một dự án mà Mobio đã triển khai không?

Ông Hùng: Dự án với quy mô lớn nhất mà Mobio triển khai là Tập đoàn Sun Group. Sun Group có quy mô rất lớn, tuy nhiên họ chưa ứng dụng công nghệ vào Marketing, thực ra họ làm chủ yếu là Branding. Đến một mức độ tăng trưởng nhất định thì Branding không còn là mũi giáo chủ đạo, khi đó họ phải chuyển sang chiều sâu là Performance…

PV: Cảm ơn ông vì những chia sẻ rất hữu ích này!

Bài toán của Sun Group là xây dựng được nền tảng dữ liệu về Marketing cho cả tập đoàn, và thúc đẩy các cơ hội bán chéo giữa các công ty thành viên. Đến nay thì hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định với hàng chục triệu bản ghi dữ liệu khách hàng mà tập đoàn có thể tiếp cận trên kênh Digital.

Ông Lê Hùng– Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng phần mềm Mobio Việt Nam

Nguồn: Bản tin số 23 Lãnh đạo và Thay đổi / Chủ đề ”Chuyển đổi số trong điều hành và quản lý doanh nghiệp – Tiến tới hợp nhất và chuyên sâu”

Đọc thêmIoT và AI trong phần mềm quản lý sản xuất

Author

OOC digiiMS

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phone
Zalo
Phone
Zalo