Hiện nay, Nhà nước đang đẩy mạnh phát triển định danh điện tử để phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Vậy tài khoản định danh điện tử là gì và có bắt buộc phải làm không?
Tài khoản định danh điện tử là gì? Cấp cho ai?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 59 năm 2022, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác trên ứng dụng VNeID – ứng dụng do Bộ Công an xây dựng để đăng ký, tạo lập và quản lý dữ liệu về dân cư.
Tài khoản định danh của cá nhân, tổ chức chỉ sử dụng duy nhất một mã số là mã định danh. Mã số này được cấp từ khi sinh ra và không trùng lặp với cá nhân, tổ chức khác.
Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử quy định tại Điều 11 Nghị định 59 bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Tài khoản định danh điện tử dùng để làm gì?
Tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cung cấp một số tính năng cơ bản hiệu quả cho người dùng.
Chứng minh thông tin cá nhân trong các giao dịch, thủ tục
Theo Điều 13 Nghị định 59, tài khoản định danh điện tử mức độ 1, có giá trị chứng minh thông tin cá nhân trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin.
Các thông tin có trên tài khoản mức độ 1 bao gồm:
– Số định danh cá nhân;
– Họ tên;
– Ngày, tháng, năm sinh;
– Giới tính;
– Nếu là người nước ngoài thì có thêm thông tin về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Dùng thay Căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế
Điều 13 Nghị định 59 quy định, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị sử dụng như sau:
+ Tương đương như sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
+ Cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó. Ví dụ như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế…
Ngoài ra, tài khoản định danh cũng được ghi nhận là một trong những phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia thay cho sổ hộ khẩu tại Nghị định 104/2022.
Khai báo lưu trú, đăng ký cư trú
Đây là một trong những tính năng đáng chú ý của tài khoản định danh được Bộ Công an công bố. Tuy nhiên hiện nay ứng dụng VNeID vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, tính năng này chưa được hướng dẫn cụ thể.
Đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế
Bộ Công an đã cho phép sử dụng VNeID trong việc đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế và di chuyển trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp tại Việt Nam.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, mỗi lần khai báo y tế và khai báo di chuyển chỉ mất khoảng 1 – 2 phút. Trên các kho ứng dụng, VNEID được đánh giá có giao diện đơn giản, dễ sử dụng.
Tố giác tội phạm
Công dân có thể dùng tài khoản định danh cá nhân để tố giác với cơ quan Công an 17 tội phạm
Trả tiền điện, nước
Tại Đề án phát triển định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đạt trên 40 triệu tài khoản VNeID vào giai đoạn 2023 – 2025.
Trong đó, sẽ xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…cho người dân sử dụng.
Tài khoản định danh điện tử có những mức độ nào?
Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 – Công an TP.HCM), có 2 mức độ tài khoản định danh điện tử.
Cụ thể mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…).
Với mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng VNeID quốc gia cung cấp như: đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…), thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Đăng ký tài khoản định danh ở đâu?
Tùy theo nhu cầu và điều kiện của công dân để lựa chọn một trong các hình thức sau: Đến trực tiếp cơ quan công an các cấp để được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản định danh mức 2 (công dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID để thực hiện đặt lịch hẹn làm thủ tục trước khi đến cơ quan công an).
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1: thực hiện trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID).
Theo PC06, việc đăng ký định danh điện tử là miễn phí và có cùng thời hạn với thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Có bắt buộc đăng ký định danh điện tử không?
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) và Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử thì hiện không có quy định nào bắt buộc công dân phải đăng ký định danh điện tử. Do đó, việc công dân chưa làm tài khoản định điện tử cũng sẽ không bị xử phạt.
Tuy nhiên, trong tương lai các dịch vụ công dần sẽ được thực hiện thông qua định danh điện tử, vì vậy để thuận lợi hơn khi công dân thực hiện các dịch vụ công. Cơ quan Nhà nước khuyến khích công dân nên đăng ký VNeID vì những lợi ích của nó.