Chiến lược đúng đắn sẽ đem lại thành công. Cùng tìm hiểu 5 case studies nổi tiếng về chiến lược thông minh đem lại sự thành công của các thương hiệu nổi tiếng trong bài viết dưới đây.
Apple thay đổi tên thương hiệu
Apple được thành lập vào ngày 1 tháng 4 năm 1976 dưới tên Apple Computer và đổi tên thành Apple vào đầu năm 2007. Việc loại bỏ từ “Computer” giúp thay đổi cách nhận diện thương hiệu của khách hàng – từ một công ty chuyên sản xuất máy tính để bàn và máy tính xách tay thành công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tương tác. Ngày nay, Apple đã nổi tiếng toàn cầu với các dòng sản phẩm Iphone và thư viện âm nhạc trực tuyến iTunes. Mô hình kinh doanh của công ty cũng thay đổi theo sự kiện này. Doanh thu từ việc bán máy tính của Apple giảm từ 42% xuống 13%, ngay cả khi tổng lợi nhuận của công ty này tăng lên.
USA Today thay đổi chiến lược kinh doanh
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, mạng lưới Internet được phủ sóng toàn cầu kéo theo sự sụt giảm số lượng người đọc báo truyền thống. Từ năm 2010 đến năm 2015, số lượng người đọc báo tại Mỹ giảm 31%, cao hơn so với bất kỳ sự sụt giảm được ghi nhận trong các phương tiện truyền thông truyền thống khác (ngược lại, việc sử dụng Internet tăng 105% trong cùng thời kỳ).
USA Today đã kịp thời nhận ra xu hướng thay đổi để đưa ra một chiến lược kinh doanh mới. Trong khi các tờ báo khác vẫn chật vật để duy trì loại hình báo truyền thống, USA Today đã đầu tư vào website của công ty, chia sẻ các nội dung trên nền tảng trực tuyến để thu hút nhiều người tiếp cận hơn. Tờ báo này đã thành công giữ vững vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền thông của nước Mỹ.
Sáng kiến xây dựng thương hiệu của Southwest Airlines
Vào những ngày đầu thành lập, Southwest Airlines xây dựng một hình ảnh thương hiệu có phần cá tính và phá cách, trái ngược với sự chỉn chu của các hãng hàng không lớn. Tuy nhiên sau khi trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất nước Mỹ, Southwest Airlines đứng trước hai sự lựa chọn: thương mại hóa như các hãng hàng không khác hoặc duy trì hình ảnh thân thiện, gần gũi với khách hàng dù quy mô của nó đã tăng lên đáng kể.
Southwest lựa chọn chiến lược thứ hai, xây dựng hình ảnh thương hiệu dựa trên hệ thống mạng xã hội để lan tỏa thông điệp và quan trọng hơn, kết nối trực tiếp với khách hàng. Chiến lược này giúp Southwest xây dựng hình ảnh thân thiện, mến khách trong mắt khách hàng. Đến năm 2016, Southwest là hãng hàng không sở hữu điểm số Buzz cao nhất.
Coca-Cola và chiến lược đa dạng hóa
Vào giữa năm 1980, Coca-Cola đã cải tiến dòng sản phẩm chủ đạo của mình nhằm cạnh tranh với Pepsi. Thức uống New Coke ra đời nhưng lại là một thất bại thảm hại của thương hiệu nước giải khát nổi tiếng này. Để cải thiện tình hình kinh doanh của mình, Coca-Cola đã cải tiến công thức ban đầu của New Coke dưới cái tên Coca-Cola Classic. Đây là một case study điển hình về quản trị doanh nghiệp.
Qua sự việc này, Coca-Cola đã đưa ra chiến lược nhằm đảm bảo không một dòng thức uống nào – kể cả Coke có thể ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh doanh của công ty. Sau nhiều năm sáp nhập và đa dạng hóa, Coca-Cola hiện cung cấp hơn 500 dòng sản phẩm bao gồm nước giải khát, nước ép trái cây và nước khoáng. Sản phẩm của thương hiệu này được bày bán tại hơn 200 quốc gia trên toàn cầu.
Tim hiểu thêm: Phân tích Case Study: New Coke – Sự thất bại của Coca-Cola tại đây.
Nokia thay đổi thị trường mục tiêu
Cách đây vài năm, Nokia là một trong những nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm điện thoại thông minh như Iphone ra đời khiếp Nokia chật vật để có thể cạnh tranh thị trường. Nokia đã đưa ra giải pháp táo bạo đó là bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft và chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực công nghệ khác. Quyết định này giúp Nokia ngăn ngừa những tổn thất lớn hơn.
Điều thú vị là, Microsoft gần đây đã thông báo sẽ bán mảng kinh doanh điện thoại di động mua lại từ Nokia cho Foxconn Technology. Foxconn đã ký kết hợp đồng với Nokia để sử dụng tên thương hiệu Nokia trên các sản phẩm điện thoại tương lai của mình. Nokia nhận doanh thu từ việc cấp phép tên thương hiệu của mình cho dòng sản phẩm mà công ty đã ngừng sản phẩm.
Tìm hiểu thêm: Các bước phát triển chiến lược kinh doanh thành công cho doanh nghiệp tại đây.
Kết
Tìm hiểu case studies của các doanh nghiệp nổi tiếng là một trong những phương pháp để bắt đầu sự nghiệp quản lý kinh doanh. Học hỏi, tiếp thu và đổi mới, sáng tạo sẽ đem lại sự thành công cho doanh nghiệp của bạn.
Nguồn tiếng Anh: https://www.waldenu.edu/online-bachelors-programs/bs-in-business-administration/resource/five-great-case-studies-in-business-management