Ứng dụng công nghệ 4.0 trong các doanh nghiệp Việt nam còn thấp, dù báo chí nói nhiều về CNMCMN 4,0. Mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.
Kinh tế số đang dần trở thành chính bản thân nền kinh tế
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, công nghệ số, ứng dụng công nghệ và kết nối trực tuyến đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng trong những năm tới.
Xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực
Tại Việt Nam, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính-ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), từ 2018, một số công nghệ như rô-bốt tiên tiến, vận tải tự động, trí tuệ nhân tạo, và một số công nghệ khác sẽ được đưa vào sử dụng ở quy mô công nghiệp và dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm. Kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội.
Dự báo trong trung và dài hạn sẽ tác động trực tiếp và nhiều nhất đến các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (lắp ráp, dịch vụ, dệt may,…) do lao động dần được thay thế bởi tự động hóa, rô-bốt thông minh.
WEF dự báo rằng ứng dụng công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay sẽ khiến đất nước có thể phải đối mặt với khó khăn do tự động hoá và chuyển đổi số trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, làn sóng chuyển dịch sắp tới là rất cần thiết để khai thác cơ hội ứng dụng các công nghệ số
Thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cũng cho biết, tại Việt Nam, lợi thế về lao động, nhất là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể, cách ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế, bao gồm dệt may, dày da, gia công lắp ráp… Việc hiểu được về làn sóng chuyển dịch sắp tới là rất cần thiết để khai thác được cơ hội, hạn chế rủi ro khi tiếp cận và ứng dụng các công nghệ số cho các ngành kinh tế của Việt Nam.
Từ năm 2014 đến nay, theo báo cáo của Liên hiệp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, Việt Nam đã tăng 11 bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI). Việt Nam là một trong mười quốc gia đã nhảy vọt từ EGDI mức trung bình đến mức cao, trong nhóm các nước khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Maylaysia, Philippnies, Thái Lan và Bru-nây.
Nhiều doanh nghiệp đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0
Ở góc độ doanh nghiệp, theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.
Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh được đánh giá là động lực quan trọng của phát triển Kinh tế số
Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh được đánh giá là động lực quan trọng của phát triển Kinh tế số. Tuy nhiên 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong hiện đại hoá quy trình kinh doanh.
Theo nghiên cứu của WEF trong khuôn khổ “Sáng kiến chuyển đổi số – DTI”, 7 công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); xe tự lái; phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây; công nghệ in 3D; Internet vạn vật và các thiết bị kết nối; rô-bốt; và mạng xã hội. Các công nghệ này hiện đang được các doanh nghiệp nghiên cứu và bắt đầu đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.
Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ đưa đến những công nghệ mới mang tính đột phá, tác động sâu sắc đến mô hình tổ chức và cách thức vận động của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển.
Phải nắm bắt và thực hiện quá trình Chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh quản lý mới
Xét ở góc độ vi mô, ứng dụng công nghệ 4.0 đang đặt ra yêu cầu đối với từng Chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp phải nắm bắt và thực hiện quá trình Chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh quản lý, kinh doanh mới. Việc chuyển đổi số sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động, tăng cường sự gắn kết giữa Chính phủ với người dân, giữa doanh nghiệp với khách hàng, góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo cũng như tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp, tăng tốc độ phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
Để thúc đẩy Chuyển đổi số, tận dụng được ưu thế của ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, từng ngành, từng lĩnh vực cần tập trung xây dựng Chiến lược chuyển đổi số nhằm xây dựng Việt Nam 4.0 với nền quản trị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh.
Đọc thêm:
Lan tỏa công nghệ 4.0 vào quản lý, điều hành của doanh nghiệp
Nguồn: vnmedia.vn