5/5 - (1 vote)

Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang bị nhầm lẫn giữa chỉ số hiệu suất (KPI) và chỉ số kết quả chính yếu (KRI), sử dụng KRI thay vì KPI hoặc nghĩ rằng có thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên, chúng thực chất là hai công cụ với các mục đích khác nhau. Vậy, doanh nghiệp bạn đang dùng KPI hay KRI?

KPI và KRI là gì?

KPI (Key Performance Indicator) là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của một bộ phận trong một công ty hoặc sự vận hành của cả công ty, là thước đo để hiểu công ty đang hoạt động tốt như thế nào so với các mục tiêu chiến lược của họ. Hoặc hiểu đơn giản chỉ số này trình bày các mục tiêu đo lường để phục vụ thực thi chiến lược.

Khi một tổ chức đã xác định được các mục tiêu chiến lược của mình, KPI đóng vai trò là công cụ giám sát và ra quyết định giúp trả lời các câu hỏi về hiệu suất chính của tổ chức.

KRI (Key Result Indicator)chỉ số đo lường kết quả của những hoạt động công ty, bộ phận hay cá nhân không phục vụ cho chiến lược. Trong doanh nghiệp có rất nhiều hoạt động diễn ra thường ngày để đảm bảo doanh nghiệp vận hành, tuy nhiên lại không phải những hoạt động chính sinh lời hoặc không phục vụ cho chiến lược. Ví dụ: thư ký, văn phòng làm công việc đánh máy, hành chính, giấy tờ; bộ phận kỹ thuật sửa chữa hệ thống,…Vậy chỉ số kết quả đo lường những hoạt động này gọi là KRI. KRI sinh ra phục vụ cho tính lương 3Ps ở những vị trí P3 (Performance) không đo lường được bằng KPI.

KPI và KRI là gì?

Khác biệt giữa KPI và KRI

Tính chiến lược

Dựa trên mô hình BSC – KPI, hệ thống chỉ số được lập nên nhằm mục tiêu chính là đo lường các mục tiêu doanh nghiệp và thực hiện chiến lược. Theo đó, các chỉ số KPI được phân bổ từ trên xuống dưới theo hình thác đổ: từ các chỉ tiêu KPI công ty đến KPI bộ phận và cá nhân. Theo đó, nếu mỗi cá nhân hoàn thành chỉ tiêu KPI của mình thì doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu chiến lược. KPI giúp cả doanh nghiệp cùng tiến về phía trước theo một mục tiêu chung. Từ đó, kết quả này cũng được sử dụng trong trả lương 3P.

Tuy nhiên, theo hướng phát triển này, doanh nghiệp luôn tồn tại những hoạt động không nằm trong nhóm các hoạt động phục vụ chiến lược. Để ứng dụng hình thức trả lương 3P, cần có một công cụ đo lường kết quả thực hiện. KRI ra đời phục vụ mục đích này. Như vậy KRI không có tính chiến lược. 

Các hoạt động đo lường

Tùy mỗi doanh nghiệp, các chỉ tiêu được cho là “phục vụ chiến lược” sẽ khác nhau, phụ thuộc vào bản đồ chiến lược, mục tiêu, hướng phát triển, đặc thù lĩnh vực của từng doanh nghiệp. KPI luôn đo lường những hoạt động phục vụ chiến lược, hầu như sẽ bao gồm những hoạt động tạo lợi nhuận chính trong chuỗi giá trị của tổ chức. KRI đo lường những hoạt động mang tính duy trì hơn. Không thể nói là các hoạt động của KRI không quan trọng, mà là ở giai đoạn phát triển hiện nay của tổ chức, những hoạt động đó không phục vụ cho chiến lược.

Tính thay đổi

Theo quy trình xây dựng chỉ số KPI, từ bản đồ chiến lược, chúng ta xác định mục tiêu cho từng năm tiếp theo (trong khoảng 5 năm). Do đó, chỉ số này có thể thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của năm đó. Ngược lại, KRI mang tính ổn định hơn và hầu như ít thay đổi.  

6 bước thiết kế hệ thống chỉ số kpi

Phương pháp triển khai

Trong quá trình tính lương 3P, lương biến đổi sẽ phụ thuộc vào kết quả công việc – được đo lường bằng KPI hoặc KRI. Nếu xây dựng hệ thống KPI cần rất nhiều yếu tố và theo dạng thác đổ thì KRI hầu như được xây dựng cho cá nhân và dựa vào yêu cầu công việc.

Mối liên hệ giữa KPI và KRI

Để KPI và KRI đi vào cuộc sống của doanh nghiệp, đều cần xây dựng và ban hành quy chế đánh giá và thực hiện.

Quy chế phải đề cập đến các nguyên tắc theo dõi, đánh giá chỉ số, quy đổi kết quả thực hiện thành một hệ điểm chung có thể so sánh được giữa các thành viên trong công ty, ví dụ cùng trên thang điểm 100. Quy chế đánh giá cũng có thể được kết hợp với quy chế lương để đưa kết quả đánh giá KPI và KRI vào hệ thống lương của doanh nghiệp.

Thực tế, doanh nghiệp khi triển khai KPI luôn triển khai kèm KRI cho những hoạt động không phục vụ chiến lược, nhằm mục tiêu cơ bản hơn là đo lường hiệu suất nhân viên và phục vụ cho tính lương.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn nhầm lẫn giữa KPI và KRI hoặc triển khai KPI không theo chiến lược, dẫn đến thực tế đang sử dụng KRI chứ không phải KPI. KRI dễ triển khai hơn và cho doanh nghiệp thấy hiệu suất tổng thể, tuy nhiên, không thể hiện doanh nghiệp đang ở đâu và làm sao để đạt được mục tiêu cuối. Chỉ KPI mới có thể theo dõi các bước đã thực hiện (và những bước cần thực hiện) để đảm bảo mức độ thành công cao nhất.

Doanh nghiệp bạn đang ứng dụng KPI hay KRI? Doanh nghiệp bạn đang có nhầm lẫn về 2 chỉ số này hay không? Hiểu rõ về mục đích của KPI và KRI, doanh nghiệp sẽ dễ dàng ứng dụng nó vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để mang lại hiệu suất rõ nhất. Hơn cả, KPI sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đi đúng hướng.

Tìm hiểu “trọn bộ về KPI” tại đây.

Team Marketing

Nguồn: Công ty Tư vấn Quản lý OCD

Đọc thêm:  Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả làm việc theo KPIs cần chú ý gì?

                  

Author

OOC digiiMS

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Phone
Zalo
Phone
Zalo