Bản tin Chia sẻ tri thức Quản trị Nhân sự

EVP (Employee Value Proposition) và thương hiệu tuyển dụng

evp
5/5 - (1 vote)

Tưởng tượng nếu một ngày bạn phải cạnh tranh với đối thủ để tuyển dụng người tài. Vậy doanh nghiệp của bạn sẽ tận dụng ưu thế gì để thu hút nhân tài về với mình? Chính vì những điều này, EVP (Employee Value Proposition) sẽ trở thành giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Khái niệm EVP (Employee Value Proposition) là gì?

EVP là viết tắt của từ tiếng Anh “Employee Value Proposition”. Thuật ngữ này được dịch nôm na là “định vị giá trị nhân viên”. Đây là một trong những yếu tố quyết định trong tuyển dụng và giữ chân người tài. Về bản chất, EVP sẽ giúp các nhân tài tương lai trả lời cho câu hỏi “Tại sao chúng tôi chọn công tác ở đây?”. Thông thường, EVP sẽ bao gồm những yếu tố như dưới đây:

evp là gì
EVP là gì?
  • Hữu hình: Lương thưởng, chế độ đãi ngộ, chương trình đào tạo, tập huấn phát triển …
  • Yếu tố vô hình như: Tính gắn kết nội bộ, môi trường làm việc ổn định, nỗ lực đạt đến sự hoàn hảo …

Lợi ích của EVP đối với công tác tuyển dụng của doanh nghiệp

EVP không chỉ đóng vai trò là vệ tinh thu hút ứng viên tài năng mới cho công ty. Đây còn là đòn bẩy khích lệ nhân sự cũ hăng hái, đóng góp hết mình cho công việc. Dễ thấy được rằng, đây là một chiến lược đặc biệt quan trọng trong công tác nhân sự. 

Thực tế cho thấy được, mức độ cam kết của nhân viên mới đã tăng đến 30% so với trước. Nhờ điều này, nhân viên cũ sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Đồng thời, công tác tuyển dụng nội bộ cũng được đẩy mạnh.

Giúp công ty tiếp cận nhân sự tài năng

EVP tốt sẽ xây dựng được một thương hiệu tuyển dụng chất lượng. Nhờ điểm này, công ty sẽ gia tăng khả năng tiếp cận với ứng viên tiềm năng. Ngay từ bước tìm hiểu thông tin đã có thể gây ấn tượng tốt nếu xây dựng được thương hiệu tốt trên thị trường lao động. Sức mạnh của EVP sẽ củng cố định vị của thương hiệu trong mắt ứng viên.

Không ngừng khích lệ tinh thần cho nhân viên cũ

Quá trình xây dựng và chia sẻ góp phần hấp dẫn nhân viên tiềm năng cũng như lắng nghe nhân viên hiện tại. Như vậy mới có thể thấu hiểu kỳ vọng và mong muốn của họ đối với công việc và tổ chức. Điều này sẽ giúp cấp quản lý gần gũi hơn với nhân viên, xây dựng niềm tin và cam kết vững chắc.

Kịp thời điều chỉnh mục tiêu tuyển dụng

Trong quá trình xây dựng EVP, bằng cách tiếp cận và đào sâu vào những nhu cầu quan trọng của nhân viên hiện tại và ứng viên tiềm năng, doanh nghiệp sẽ tự định hướng công tác tuyển dụng rồi đưa ra những đề nghị hấp dẫn người lao động.

Dễ tạo được ấn tượng với từng nhóm ứng viên

Mỗi vị trí công việc đều có những nhu cầu và thị hiếu khác nhau. Theo đó, một EVP hiệu quả không chỉ gây ấn tượng về chiều rộng mà còn cả chiều sâu với ứng viên. Chẳng hạn, chế độ để thu hút ứng viên vị trí marketing sẽ có điểm khác biệt so với vị trí sales.

Giảm bớt cạnh tranh về thù lao

Có rất nhiều ứng viên, đặc biệt là ứng viên trẻ sẵn sàng cân nhắc về mức lương nếu họ cảm thấy EVP của doanh nghiệp hấp dẫn. Điều này hiểu đơn giản là, kể cả không đề nghị ứng viên mức lương cao so với mặt bằng chung của thị trường thì doanh nghiệp vẫn có thể dùng EVP để cạnh tranh với doanh nghiệp đối thủ trong việc thu hút ứng viên.

Hướng dẫn cách xây dựng EVP trong doanh nghiệp

Lưu ý khi xây dựng EVP (Employee Value Proposition)

Đa số doanh nghiệp phải đối mặt với hai vấn đề chính khi xây dựng EVP, đó là:

  • Cảm thấy khó khăn để trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
  • EVP rất hấp dẫn nhưng không phản ánh thực tế.

Xây dựng EVP cần dựa trên một số yếu tố cơ bản trong doanh nghiệp. Một EVP hiệu quả phải là một EVP giúp bạn thu hút những ứng viên tiềm năng, những nhân tố phù hợp với lý tưởng và giá trị của một doanh nghiệp.

lưu ý khi xây dựng evp
Lưu ý khi xây dựng EVP

Để đảm bảo hiệu quả, nên xây dựng EVP với những đặc điểm trùng khớp với mong muốn của nhân viên/ứng viên, giống như cách tạo ra sản phẩm đánh trúng tâm lý khách hàng. Bên cạnh đó, EVP cũng cần thực tế, sát bới tình hình nhân sự của doanh nghiệp. Đây là điều quan trọng nếu bạn muốn nhân viên cảm nhận doanh nghiệp luôn đáp ứng nhu cầu của họ.

Nội dung của EVP phải đảm bảo phản ánh được chính xác thực tế văn hóa doanh nghiệp. Lý do là vì đã có rất nhiều nhân viên bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng của doanh nghiệp khi đọc EVP, nhưng khi bước vào làm việc lại hoàn toàn khác. Khi xây dựng EVP, nên diễn đạt theo cách mà tất cả mọi người có thể nắm bắt được. Nếu không sẽ không tạo nên sự khác biệt với những doanh nghiệp khác.

Các bước xây dựng EVP (Employee Value Proposition) hiệu quả

Bước 1: Liệt kê các chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp đang áp dụng

Trước khi bắt đầu xây dựng EVP, hãy đánh giá lại một lượt các chế độ mà doanh nghiệp đang áp dụng hiện tại. Tự hỏi bản thân rằng tại sao lại làm việc cho tổ chức. Câu trả lời của bạn chắc chắn sẽ được đồng ý bởi phần lớn nhân viên.

Sau đó, bạn cần liệt kê lợi ích của những chế độ theo 2 cột, cột thứ nhất là Lợi ích hữu hình và cột thứ hai là Lợi ích vô hình. Hãy nghĩ xem những lợi ích này có đáp ứng nhu cầu của ứng viên tiềm năng hay không.

Đọc thêm: Phần mềm Quản lý lương và đãi ngộ digiiC&B

Bước 2: Nghiên cứu nhu cầu của ứng viên

Thực hiện một số nghiên cứu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những điều mà ứng viên tiềm năng muốn và cần. Có thể bắt đầu bằng việc phân tích dữ liệu sẵn có của doanh nghiệp hoặc dữ liệu ứng viên mà phần mềm tuyển dụng lưu trữ hay sử dụng công cụ online để khảo sát nội bộ, thực hiện cuộc phỏng vấn theo nhóm.

Câu hỏi mà bạn dùng để khảo sát nhân viên có thể là:

+ Bạn đánh giá độ hài lòng của mình khi làm việc tại doanh nghiệp trên thang điểm 10?

+ Những chế độ mà bạn nhận được có đáp ứng kỳ vọng không?

+ Chế độ nào mà bạn cảm thấy có giá trị nhất khi nhận được.

+ Bạn có sẵn lòng giới thiệu ứng viên là bạn bè hoặc người thân vào làm việc tại doanh nghiệp không?

Tiếp theo, bạn cần phần tích kết quả thu được bằng cách phân chia chúng. Tương ứng với nhóm nhân viên khác nhau như nhân viên marketing, sales… đều có sự khác nhau. Sau đó, tìm ra nhu cầu chung nhất của tất cả những nhóm này – đây chính là điều mà bạn nên đề cập đến trong tin đăng tuyển dụng vị trí tương tự.

Ngoài ra, nghiên cứu EVP của đối thủ cạnh tranh cũng là cách để tạo ra sự khác biệt, biến doanh nghiệp trở thành nơi làm việc lý tưởng trong mắt ứng viên.

Bước 3: Thảo luận với cấp quản lý

Trong bước này, bạn hãy đào sâu hơn vào kết quả nghiên cứu bằng cách tham khảo ý kiến của những người có tiếng nói trong doanh nghiệp. Từ đó, bạn sẽ quyết định được chế độ nào là quan trọng nhất cho doanh nghiệp. Việc gặp gỡ quản lý các cấp thấp hơn giúp xác nhận các chế độ đã tìm hiểu. Sau đó, đây sẽ trở thành nguồn dữ liệu đúng chuẩn để tiến hành tốt công tác xây dựng.

Bước 4: Xây dựng EVP (Employee Value Proposition)

Đây chính là lúc tạo nên EVP riêng cho doanh nghiệp. Hãy sử dụng các thông tin đã thu thập được ở bước 2 và 3. Dữ liệu thu thập được góp phần hiện thực hóa yêu cầu từ phía người lao động. Chẳng hạn, bạn có thể trình bày EVP trong bài đăng tuyển dụng như sau:

“Đến với công ty … bạn sẽ nhận được gì?

  • Thu nhập không giới hạn dựa trên năng lực
  • Được tham gia các khóa đào tạo
  • Lộ trình review lương rõ ràng
  • Không giới hạn số ngày nghỉ phép năm”

Bước 5: Áp dụng EVP vào thực tiễn

Sau khi hoàn thành việc xây dựng EVP, nhiệm vụ tiếp theo là công bố đến nhân viên. Trong đó quan trọng nhất là các ứng viên tiềm năng và nhân sự đang làm việc cho doanh nghiệp. EVP cần được đưa vào quá trình tuyển dụng. Các kênh có thể đưa thông tin như bài đăng tuyển dụng trên website, ấn phẩm marketing…

Bước 6: Đánh giá và điều chỉnh EVP (nếu cần)

EVP có phù hợp với môi trường doanh nghiệp không? Có đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của ứng viên và nhân sự hiện tại không? Hãy thực hiện khảo sát nội bộ định kỳ hàng năm trước. Từ dữ liệu này có thể đánh giá hiệu quả và xem xét điều chỉnh nếu cần thiết. Điều này giúp duy trì sự minh bạch trong quản lý nhân sự. Đồng thời vừa giúp giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên.

Đọc thêm: Báo Cáo Thị Trường Việc Làm Và Thị Hiếu Người Dùng Của Glints

EVP hiệu quả giúp doanh nghiệp trở thành một thương hiệu uy tín tại thị trường tuyển dụng. Từ đó, có thể thu hút thêm càng nhiều nhân tài cho công ty. Vì vậy, hiệu quả tuyển dụng được nâng lên, chi phí sẽ giảm thiểu. Hoạt động tuyển dụng và công tác nhân sự sẽ ngày càng tốt hơn. Hãy bắt đầu xây dựng EVP ngay hôm nay để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Author

Châu Long

Phone
Zalo
Phone
Zalo