Chia sẻ tri thức Quản trị doanh nghiệp

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter

Mô hình 5 Forces
5/5 - (1 vote)

Michael Porter là một giáo sư danh tiếng tại Trường Kinh doanh Harvard. Giáo sư được coi là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh hiện đại. Ông sinh năm 1947 và là một trong những chuyên gia hàng đầu về quản trị chiến lược. Porter nổi tiếng với các mô hình và lý thuyết chiến lược. Tiêu biểu trong các mô hình này là: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh (Five Forces), Chiến lược cạnh tranh tổng quát, Mô hình kim cương.

Michael Porter
Michael Porter

Trong bài viết hôm nay, OOC sẽ giới thiệu về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter. Nghiên cứu này của ông đã giúp doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới đưa ra các chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả.

Giới thiệu mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter

Đây là mô hình này được ra đời năm 1980. Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter (Porter’s Five Forces) là một công cụ phân tích chiến lược giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ cạnh tranh trong một ngành và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận. Từ đây, giúp cho nhà lãnh đạo có thể nắm được vị trí của công ty trên thị trường. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có những định hướng chiến lược cụ thể trong dài hạn.

Mô hình này gồm 5 yếu tố chính:

  • Sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành
  • Mối đe dọa từ đối thủ tiềm ẩn (người mới tham gia thị trường)
  • Sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp
  • Sức mạnh thương lượng của khách hàng
  • Mối đe dọa từ sản phẩm/dịch vụ thay thế

Phân tích các yếu tố trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh 

Mô hình này gồm 5 áp lực cạnh tranh chính. Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Bao gồm: đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp, khách hàng, dịch vụ thay thế.

mo-hinh-5-ap-luc-canh-tranh
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành

Sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành là áp lực quan trọng nhất trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter. Mức độ cạnh tranh càng cao, doanh nghiệp càng gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và thị phần. Khi nhiều đối thủ cùng hoạt động trong một ngành, họ phải liên tục cải tiến sản phẩm, giảm giá hoặc đẩy mạnh các chiến lược marketing để thu hút khách hàng. Điều này có thể dẫn đến cuộc chiến giá cả, làm giảm biên lợi nhuận của toàn ngành.

Số lượng đối thủ cạnh tranh

    • Càng nhiều đối thủ, mức độ cạnh tranh càng cao.
    • Nếu thị trường bị phân mảnh, sự cạnh tranh về giá cả và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn. Đặc biệt là có thể có các công ty nhỏ đang vươn lên để giành thị phần.

Tốc độ tăng trưởng ngành

    • Ngành có tốc độ tăng trưởng cao sẽ hấp dẫn nhiều doanh nghiệp mới tham gia. Như vậy sẽ làm gia tăng cạnh tranh.
    • Ngược lại, nếu ngành tăng trưởng chậm hoặc bão hòa, các doanh nghiệp sẽ phải tranh giành thị phần khốc liệt hơn.

Sự khác biệt của sản phẩm/dịch vụ

    • Nếu sản phẩm có sự khác biệt rõ ràng, doanh nghiệp có thể tạo lợi thế cạnh tranh và giảm áp lực từ đối thủ.
    • Ngành có sản phẩm đồng nhất thường có cạnh tranh giá cả khốc liệt. Ví dụ như xi măng, thép…

Chi phí chuyển đổi của khách hàng

    • Nếu khách hàng có thể dễ dàng chuyển sang đối thủ khác với chi phí thấp, mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn.
    • Ngược lại, nếu chi phí chuyển đổi cao (do hợp đồng dài hạn, hệ thống độc quyền, thương hiệu mạnh), doanh nghiệp có lợi thế giữ chân khách hàng.

Mối đe dọa từ đối thủ tiềm ẩn (người mới tham gia thị trường)

Sự xuất hiện của doanh nghiệp mới làm tăng cạnh tranh và có thể giảm lợi nhuận của các công ty hiện tại. Tuy nhiên, các rào cản gia nhập càng cao thì mối đe dọa này càng thấp.

Các rào cản quan trọng bao gồm:

  • Lợi thế về quy mô và chi phí: Doanh nghiệp lâu năm có chi phí thấp hơn. Đặc biệt là quy mô và sự phát triển thương hiệu đã cơ bản ổn định. Chính do điều này nên đã gây khó khăn cho đối thủ mới.
  • Quyền sở hữu công nghệ, bằng sáng chế: Các công ty có công nghệ độc quyền làm giảm khả năng cạnh tranh của người mới.
  • Thương hiệu mạnh và lòng trung thành khách hàng: Những công ty có uy tín lớn khiến khách hàng khó chuyển đổi sang sản phẩm của doanh nghiệp mới.

Để bảo vệ vị thế, doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới, mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu và duy trì khách hàng trung thành.

Sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp

Nhà cung cấp có thể tác động đến doanh nghiệp thông qua giá cả, chất lượng và điều kiện cung ứng nguyên vật liệu. Khi nhà cung cấp có quyền lực cao, doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào họ, làm giảm khả năng kiểm soát chi phí và chất lượng sản phẩm.

Mức độ quyền lực của nhà cung cấp phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Số lượng nhà cung cấp: Nếu chỉ có ít nhà cung cấp, họ có thể áp đặt giá và điều kiện bất lợi cho doanh nghiệp.
  • Khả năng thay thế nguồn cung: Nếu nguyên vật liệu có nhiều nguồn thay thế, doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn trong đàm phán.
  • Chi phí chuyển đổi nhà cung cấp: Nếu doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí hoặc thời gian để đổi nhà cung cấp, họ sẽ bị phụ thuộc hơn.

Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp nên đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm nguyên liệu thay thế và xây dựng mối quan hệ bền vững với các nhà cung cấp chiến lược.

Sức mạnh thương lượng của khách hàng

Khách hàng có thể tạo áp lực lên doanh nghiệp bằng cách yêu cầu giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn hoặc dịch vụ ưu đãi hơn. Khi khách hàng có nhiều lựa chọn thay thế, họ có quyền lực cao hơn trong việc đàm phán.

Mức độ quyền lực của khách hàng phụ thuộc vào:

  • Số lượng khách hàng và quy mô đơn hàng: Nếu doanh nghiệp phụ thuộc vào một số ít khách hàng lớn, họ có thể đàm phán giá tốt hơn.
  • Mức độ khác biệt của sản phẩm: Nếu sản phẩm độc đáo, khách hàng có ít sự thay thế, giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn.
  • Chi phí chuyển đổi nhà cung cấp của khách hàng: Nếu khách hàng có thể dễ dàng đổi sang đối thủ mà không mất nhiều chi phí, quyền lực của họ sẽ cao hơn.

Để giảm bớt áp lực, doanh nghiệp nên tạo sự khác biệt cho sản phẩm, xây dựng lòng trung thành và cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng.

Mối đe dọa từ sản phẩm/dịch vụ thay thế

Sản phẩm hoặc dịch vụ thay thế có thể khiến doanh nghiệp mất khách hàng. Đặc biệt là nếu chúng có giá rẻ hơn hoặc chất lượng tốt hơn. Mối đe dọa này đặc biệt cao trong các ngành có nhiều lựa chọn thay thế. Hoặc khi khách hàng dễ dàng chuyển đổi.

Mức độ đe dọa phụ thuộc vào:

  • Công nghệ: Sự phát triển công nghệ có thể tạo ra các giải pháp thay thế hiệu quả hơn.
  • Xu hướng tiêu dùng: Nếu sở thích và hành vi khách hàng thay đổi, sản phẩm thay thế có thể trở nên hấp dẫn hơn.
  • Mức độ khác biệt của sản phẩm: Nếu sản phẩm có tính độc đáo và giá trị cao, khách hàng sẽ ít có xu hướng chuyển đổi.

Để giảm rủi ro, doanh nghiệp cần liên tục đổi mới, nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng lòng trung thành của khách hàng.

Mục tiêu của mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ cạnh tranh trong ngành và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Cụ thể, mô hình này có các mục tiêu chính sau:

  • Xác định mức độ cạnh tranh trong ngành. Như vậy sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ những yếu tố tác động đến lợi nhuận và thị phần.
  • Nhận diện cơ hội và rủi ro: Phát hiện các yếu tố có thể đe dọa hoặc tạo cơ hội phát triển. Từ đó có biện pháp ứng phó.
  • Xây dựng lợi thế cạnh tranh: Hỗ trợ doanh nghiệp tìm cách nâng cao vị thế trước đối thủ, khách hàng và nhà cung cấp.
  • Hỗ trợ quyết định chiến lược: Giúp doanh nghiệp lựa chọn chiến lược phù hợp. Ví dụ như dẫn đầu về chi phí, khác biệt hóa sản phẩm hoặc tập trung vào thị trường ngách.
  • Dự báo sự thay đổi của thị trường: Phân tích xu hướng để thích nghi với sự thay đổi của ngành. Từ đây sẽ giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế lâu dài.

Tóm lại, mô hình này giúp doanh nghiệp hiểu rõ môi trường cạnh tranh. Từ đó, ban lãnh đạo sẽ đưa ra chiến lược phát triển bền vững.

Ưu điểm và thách thức của mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Ưu điểm

  • Phân tích toàn diện: Giúp doanh nghiệp đánh giá đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong ngành.
  • Hỗ trợ chiến lược kinh doanh: Cung cấp thông tin để doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh. Đồng thời sẽ tối ưu hóa chiến lược.
  • Áp dụng cho nhiều ngành: Có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
  • Dự báo xu hướng thị trường: Giúp doanh nghiệp nhận diện cơ hội và rủi ro. Mục đích cuối cùng hướng tới là để thích ứng với sự thay đổi.

Thách thức

  • Không phản ánh đầy đủ sự thay đổi nhanh chóng: Mô hình tập trung vào cấu trúc ngành. Tuy nhiên nó không linh hoạt trong các thị trường biến động nhanh.
  • Thiếu yếu tố nội bộ doanh nghiệp: Không đề cập đến năng lực nội bộ. Ví dụ như văn hóa doanh nghiệp, quản lý hay đổi mới sáng tạo.
  • Khó đo lường chính xác: Một số yếu tố như sức mạnh thương lượng hay mối đe dọa từ sản phẩm thay thế có thể khó xác định rõ ràng.
  • Không đề cập đến tác động của chính sách và xu hướng xã hội: Các yếu tố như công nghệ, luật pháp hay biến đổi xã hội không được phân tích sâu.

Apple xây dựng mô hình 5 áp lực cạnh tranh trong kinh doanh

Apple là một trong những thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới. Khi áp dụng mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter, ta có thể phân tích như sau:

Sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành

  • Apple đối mặt với các đối thủ mạnh. Ví dụ điển hình như Samsung, Google, Microsoft trong lĩnh vực thiết bị điện tử và phần mềm. Vì điều này nên có khả năng Apple sẽ có thể bị soán ngôi bất cứ lúc nào.
  • Ngành công nghệ có tốc độ đổi mới nhanh. Các sản phẩm cũ sẽ bị “đào thải” không ngừng. Điều này buộc Apple phải liên tục cải tiến sản phẩm để duy trì lợi thế. 
  • Sự khác biệt của Apple nằm ở hệ sinh thái khép kín (iOS, MacOS, iCloud) giúp giữ chân khách hàng.

Mối đe dọa từ đối thủ tiềm ẩn

  • Ngành công nghệ có rào cản gia nhập cao. Lý do là cần vốn lớn, công nghệ tiên tiến và thương hiệu mạnh.
  • Apple có lợi thế về quy mô sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái sản phẩm. Mục đích để khiến đối thủ mới khó cạnh tranh.

Sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp

  • Apple làm việc với nhiều nhà cung cấp linh kiện như TSMC, Foxconn… Tuy nhiên, họ vẫn kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng.
  • Vì Apple là khách hàng lớn. Họ có khả năng thương lượng mạnh với nhà cung cấp về giá cả và chất lượng. Chính vì sức mạnh này mà từng sản phẩm của Apple đều có mức hoàn thiện cao.

Sức mạnh thương lượng của khách hàng

  • Khách hàng có nhiều lựa chọn thay thế như điện thoại Android, laptop Windows.
  • Tuy nhiên, Apple có thương hiệu mạnh và hệ sinh thái khép kín. Điều này khiến chi phí chuyển đổi của khách hàng cao. Tuy nhiên 1 khi khách hàng đã sử dụng thì họ sẽ khó rời bỏ được .

Mối đe dọa từ sản phẩm/dịch vụ thay thế

  • Các sản phẩm công nghệ luôn có nhiều giải pháp thay thế. Ví dụ: Google Drive thay thế iCloud, điện thoại Samsung thay thế iPhone, PC thay thế MacBook.
  • Xu hướng điện toán đám mây, AI, thiết bị đeo thông minh có thể đe dọa các dòng sản phẩm truyền thống của Apple.

Apple có lợi thế nhờ thương hiệu mạnh, hệ sinh thái sản phẩm và chuỗi cung ứng tối ưu. Tuy nhiên, họ phải liên tục đổi mới để giữ vững vị thế trước sự cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Kết luận

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh. Từ đây cũng giúp ban lãnh đạo có thể xây dựng chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, mô hình này không phản ánh đầy đủ các yếu tố. Đặc biệt như công nghệ, chính sách pháp luật hay xu hướng thị trường biến đổi nhanh chóng. Vì vậy, để có chiến lược kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần kết hợp mô hình này với các phương pháp phân tích khác. Có thể kể đến như PESTEL, SWOT và theo dõi xu hướng ngành để thích ứng linh hoạt.

Đọc thêm

Mô hình VRIO (VRIO Framework) là gì? Ứng dụng của VRIO

Ma trận IFE là gì? Các bước chính để tạo ma trận

Mô hình 8 bước thay đổi của Kotter là gì?

 

Author

Châu Long

Phone
Zalo
Phone
Zalo